Home » Xã hội » Công an Sài Gòn “tuyên chiến” với tội phạm
Xuất phát từ chỉ lệnh của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng yêu cầu ngành công an thành phố phải tập trung tấn công, trấn áp tội phạm, không để tội phạm gia tăng.
Lực lượng hình sự đặc nhiệm sẽ được tăng cường quân số, trang bị kỹ thuật, phương tiện để nâng cao hiệu quả triệt phá án cướp giật – loại tội phạm nghiêm trọng nhất ở Sài Gòn.

Sáng 5/3, Công an Sài Gòn tổ chức lễ ra quân phòng chống tội phạm trên các khu vực trọng điểm. Đây là đợt ra quân lớn, bên cạnh lực lượng địa phương, có nhiều đơn vị khác như: Cảnh sát cơ động, 113, Cảnh sát giao thông… được huy động để tập trung trấn áp tội phạm trong thời gian tới.

Trung tướng Lê Đông Phong – Giám đốc Công an Sài Gòn – chỉ đạo các lãnh đạo công an quận huyện trên địa bàn phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung đúng nhiệm vụ trọng tâm phòng chống tội phạm. Các cấp chỉ huy phải tăng cường kiểm tra, chỉ đạo, giám sát, tránh để xảy ra tiêu cực trong công tác. Ngoài ra, sẽ có hình thức khen thưởng kịp thời những cán bộ, chiến sĩ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

tp-hcm-ra-quan-tuyen-chien-voi-toi-pham

Cảnh sát cơ động được huy động tuần tra 24/24 để trấn áp tội phạm. Ảnh: Quốc Thắng.

Trước đó, làm việc với Ban Giám đốc Công an Sài Gòn về tình hình an ninh trật tự hôm 17/2, Bí thư Thành ủy Sài Gòn Đinh La Thăng yêu cầu ngành công an thành phố phải tập trung tấn công, trấn áp tội phạm, không để tội phạm gia tăng.

“Trong vòng 3 tháng tới, công an thành phố phải nỗ lực hơn nữa để tình hình tội  phạm được kéo giảm một cách rõ rệt”, ông Thăng nhấn mạnh và yêu cầu xử lý  nghiêm những ai không hoàn thành nhiệm vụ, làm cho chính quyền mất uy tín với dân.

Theo số liệu của Công an Sài Gòn, trong năm 2015, có hơn 6.000 vụ phạm pháp hình sự, giảm giảm 5,9%. Trong đó, tội phạm xâm hại tài sản (trộm cắp, cướp giật…) vẫn chiếm tỷ lệ cao, gần 85% trong cơ cấu phạm pháp hình sự. 

Địa bàn quận 1, được xem trung tâm của trung tâm, theo đại tá Nguyễn Tấn Đạt – Trưởng Công an quận – trong 345 vụ phạm pháp hình sự năm 2015 có đến 109 vụ cướp giật tài sản (chiếm hơn 31%), 177 vụ trộm cắp (hơn 51%), trong đó, có đến 55 nạn nhân bị cướp giật là người nước ngoài. 

Giám đốc công an thành phố cho rằng, về mặt số liệu cho thấy tình tình tội phạm có giảm, song loại án cướp giật, trộm còn nhiều gây bất an, bức xúc cho người dân và du khách. Vì vậy, để kéo giảm tội phạm theo chỉ đạo của Thành ủy và UBND Sài Gòn, cần “đánh mạnh” vào loại tội phạm này trong thời gian tới.

Nhận diện được đặc thù của loại tội phạm chủ yếu diễn ra trên đường phố, Công an Sài Gòn đang thực hiện nhiều giải pháp. Theo đại tá Nguyễn Sỹ Quang – Trưởng phòng Tham mưu, người phát ngôn Công an Sài Gòn – công an đã có những kế hoạch ngay từ trước chỉ đạo của lãnh đạo thành phố. Công an Sài Gòn đã triển khai những chuyên đề riêng để phòng chống nạn trộm đột nhập, cướp giật.

Theo đó, lực lượng hình sự đặc nhiệm sẽ được tăng cường về cả quân số, trang bị kỹ thuật, phương tiện để nâng cao hiệu quả đấu tranh với loại tội phạm này. Ngoài việc tuần tra, cảnh sát đặc nhiệm sẽ phối hợp với lực lượng khác, kiểm tra hành chính nhằm phát hiện, ngăn chặn sớm hành vi phạm tội.

tp-hcm-ra-quan-tuyen-chien-voi-toi-pham-1

Đặc nhiệm bắt cướp trên đường phố Sài Gòn. Ảnh: Q.T

Bên cạnh đó, cảnh sát cơ động sẽ được tung quân tuần tra 24/24 trên địa bàn. “Lực lượng này chỉ chuyên tâm phục vụ phòng chống tội phạm, không xử lý các vấn đề giao thông, hành chính”, đại tá Quang nhấn mạnh.

Về thành phần phạm tội, đại tá Quang cho hay, thời gian qua, thành phố đã đưa nhiều người sử dụng ma túy vào khu tập trung đạt được hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, đối với những người nghiện có nơi ở cố định thì đang vướng luật. Qua ghi nhận của công an thành phố, những người phạm pháp trong thời gian qua nằm trong số này.

Trong khi đó, thiếu tướng Phan Anh Minh – Phó giám đốc Công an Sài Gòn – đề xuất có sự phối hợp giữa Sở Thông tin và Truyền thông. Bởi theo ông, những tội phạm đường phố nhắm chủ yếu vào các loại điện thoại đắt tiền, máy tính bảng (iPhone, iPad…). Những thiết bị này đều có số IMEI (số nhận dạng thiết bị di động quốc tế).

“Cảnh sát sẽ thu thập những số liệu này từ trình báo của các nạn nhân rồi chuyển sang để các nhà mạng tại Việt Nam khóa, từ chối hoạt động trên các thiết bị có số IMEI này”, tướng Minh đề xuất và cho rằng, khi đó tài sản này sẽ vô tác dụng và nhận định tội phạm cướp giật, trộm cắp sẽ giảm trên 50%.

Ngoài ra, lãnh đạo Công an Sài Gòn cũng cho rằng việc lắp camera an ninh tại các địa phương thời gian qua cũng đạt hiệu quả nhất định. Đã có nhiều tội phạm về trộm, cướp, ma túy bị phát hiện thông qua hình ảnh an ninh. Sắp tới, có thể hình thức này sẽ được nghiên cứu để triển khai trên toàn địa bàn thành phố.

Theo Vnexpress

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc