Home » Xã hội » Cảnh sát – Người dân: Ai hư và ai làm hư ai?

Cầm tiền là “hư” rồi dù đó là Thầy cô giáo, bác sỹ hay CSGT. Bấy lâu nay người ta hay lên án và kêu về chuyện “đi đêm” này nhưng dường như ai cũng thoáng qua rồi coi đó một dạng “tham nhũng vặt” để rồi dễ dàng thỏa hiệp và coi là chuyện không nổi bật, có thể chấp nhận được…

Câu chuyện thứ nhất:

Ngay ngày đầu ra quân tháng an toàn giao thông, chúng tôi có điều kiện theo chân các chiến sỹ CSGT. Ngay đường Trần Khát Trân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) khi bị tuýt còi, lơ xe là một thanh niên mặt còn non choẹt đưa sổ đăng ký và bằng lái xe. Khi mở sổ xem, trong đó có kẹp một tờ 50.000 đồng. Hình như lúc này, anh chàng mới thấy có điều gì khác lạ khi bên cạnh CSGT còn có mấy anh ăn vận dân thường lại nhố nhố máy ảnh.
Tôi hỏi:
– Sao lại có tiền ở trong này? Xe phạm lỗi gì?
Anh lái xe gãi đầu gãi tai:
– Thưa xe em chở khách?
– Có chở quá quy định không?
– Không, còn thừa chỗ cơ.
Đồng chí CSGT kiểm tra giấy tờ hợp lệ cả. Xe không quá tải, thiết bị đề an toàn.
Tôi lại hỏi:
– Vì sao anh đưa tiền cho chúng tôi? Cứ bị tuýt còi là đưa tiền như thế ư?
Anh lái xe rối rít:
– Không, không… em nhầm, em không đưa tiền cho ai cả.

Nghe cái lý do anh ta nêu thì rõ ràng là một sự phi lý nhưng cũng khó có thể bắt bẻ. Lơ xe thì hớn hở lên xe còn cảnh sát thì tẽn tò nhìn sang nơi khác.

Cảnh sát - Người dân: Ai hư và ai làm hư ai? - Tin180.com (Ảnh 1)

Câu chuyện thứ 2:

Hôm đó, qua câu chuyện mới biết, người lái xe ôm chở tôi là một cựu chiến binh. Ông bảo: “Ở nhà buồn bực chân tay nên ra đường kiếm chút đỉnh cho vui”.
Hỏi về chuyện “có bao giờ bị CSGT bắt nạt”? ông trợn mắt quát lại: Sao tôi phải đưa tiền? Rồi vui chuyện ông cũng kể về cái “lộ trình” của ông nếu chẳng may vi phạm luật giao thông bị tuýt còi: Đầu tiên là cãi – cãi (có thể là ông này không biết hết về luật); Không cãi được thì xin. Và sau khi nghe trình bày, chắc cùng cánh lính tráng với nhau nên lần nào ông cũng được giảm lỗi xuống mức phạt tiền ít nhất. Và nhất định ông sẽ ra kho bạc để đóng tiền.

Ông bảo “Cũng biết làm vậy là sai, nhưng thà như thế còn hơn chứ tôi nhất định không chọn phương án 50 – 50”. Và theo ông, sự du di này của CSGT với ông là chấp nhận được và đương nhiên lần sau ông sẽ không bao giờ tái phạm lỗi đó nữa.

Loanh quanh tìm thủ phạm

Cầm tiền là “hư” rồi dù đó là Thầy cô giáo, bác sỹ hay CSGT. Xin đừng hỏi tôi về bằng chứng. Cũng giống như chuyện dúi tiền vào túi bác sỹ trong bệnh viện hay trong những bó hoa cho thấy cô đều có lấp ló chiếc phong bì. Người bình thường làm sao mà có thể đưa ra bằng chứng được. Nhưng có điều là những chuyện đó ai ai cũng phải thừa nhận, người nào cũng đã ít nhiều phải trải qua…

Vậy thì rõ ràng, “tham nhũng vặt” xuất phát chính từ sự cư xử của xã hội. Mà chả nói đâu xa có phần cũng là do chính những người dúi tiền gây ra.

Nhiều người vẫn nghĩ rằng, tham nhũng là cái gì to tát lắm. Chỉ những “ông to bà lớn” có chức có quyền mới có điều kiện tham nhũng. Cách hiểu này hoàn toàn sai lầm, tham nhũng có rất nhiều mức độ khác nhau: hối lộ, gian lận, dối trá và ngay cả chiếm đoạt, tống tiền, lạm dụng quyền hạn cũng là tham nhũng. Và không chỉ quan chức, ngay cả “dân đen” cũng có thể tham nhũng.

Cảnh sát - Người dân: Ai hư và ai làm hư ai? - Tin180.com (Ảnh 2)

Người vi phạm phản ứng bằng cách đốt xe máy của mình

Sau khi VnMedia đăng loạt bài phản ánh sự “đối đầu” giữa người vi phạm và CSGT, nhiều độc giả phản hồi, và đa phần ý kiến đều cho rằng mình đã hoặc sẵn sàng dấm dúi tiền cho CSGT để mong được giải quyết nhanh chóng.

Việc của CSGT là đang hoàng đứng giữa đường để cho giao thông được thông suốt; vai trò của bác sỹ là tận tình giành lại mạng sống cho đồng loại; việc của giáo viên là nuôi dưỡng những con người trở nên hoàn thiện. Và cả chúng ta nữa, cũng mỗi người một việc. Vậy tại sao nhũng “tham nhũng vặt” này vẫn xuất hiện ngày càng nhiều đến độ trở thành một “nạn dịch”? Để trả lời câu hỏi này thật sự khó khăn và đôi khi vô vọng. Khi mà chúng ta cứ ngày ngày mải mê với vật chất, với công danh, với lòng vị kỷ nhỏ nhen thì chuyện đó còn diễn ra theo chiều hướng tỷ lệ thuận.

Ai cũng chỉ nhăm nhăm “phong bì” cho bác sỹ để hy vọng mình là người được ưu tiên nhất; Ngày 20/11, dù đứa con mới nứt mắt trong lớp mẫu giáo nhưng bố mẹ nào cũng nhong nhóng “nhà nó đưa mà nhà mình không đưa?”

Vậy thì chì chiết riêng tệ “tham nhũng vặt” chỉ ở phía người nhận (dù có thể họ hậm họe hay gây khó dễ) là không công bằng. Hóa ra phần đông chỉ nhận diện được hành vi tham nhũng lớn, còn tham nhũng vặt diễn ra ngay trước mắt lại không nhận ra. Cứ mải đi phê phán tham nhũng, hối lộ ở đâu xa, nhiều người trong chúng ta cũng chính là những đối tượng tham nhũng vặt “nguy hiểm”, những người “đưa hối lộ” tài tình, xét trên một phương diện nào đó

Trọng Hiếu
Theo vnmedia


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc