Home » Xã hội » Phát hiện phóng xạ trong nước mưa tại Việt Nam
Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) đã kiểm tra nồng độ phóng xạ trong nước mưa (trận mưa ngày 7/4/2011), kết quả phát hiện được đồng vị phóng xạ….

Đám mây dự đoán lúc 02:00 giờ ngày 15/4/2011 (tính toán ngày 12/4/2011)

Theo thông báo của Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam phát đi tối 13/4, Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) đã kiểm tra nồng độ phóng xạ trong nước mưa (trận mưa ngày 7/4/2011), kết quả phát hiện được đồng vị phóng xạ Cs-137 Cs-134 và I-131.

Tuy nhiên, theo kết quả này, nồng độ phóng xạ trong nước mưa thấp hơn nhiều so với giới hạn cho phép, không ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Cụ thể I-131 đo được 44,9±3,5 mBq/l trong khi giới hạn theo tiêu chuẩn an toàn của Nhật Bản đối với trẻ em là 100 Bq/l, người lớn là 300 Bq/l.

Trong khi đó, Viện Nghiên cứu hạt nhân (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) cũng đã tiến hành đo đạc mẫu son khí tại Đà Lạt, ngoài các đồng vị phóng xạ tự nhiên là: Be-7 (có nguồn gốc từ tia vũ trụ), K-40, Th-232 và U-238 (có nguồn gốc từ bụi đất); còn tiếp tục ghi nhận được đồng vị phóng xạ nhân tạo nhưng ở mức rất thấp, không ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và môi trường.

Các giá trị đo tại trạm quan trắc thuộc Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật an toàn bức xạ và ứng phó sự cố (Cục An toàn bức xạ và hạt nhân) cũng cho thấy chưa có mức tăng phông bức xạ bất thường trong ngày 13/4/2011 so với ngày 12/4/2011.

Cũng trong ngày hôm qua, Bộ Khoa học – Công nghệ đã bác bỏ tin đồn nước biển bị nhiễm phóng xạ. Trước đó, sau khi có tin Nhật xả nước nhiễm phóng xạ ra biển và nâng mức báo động sự cố Nhà máy Fukushima 1 lên cấp độ 7, rất nhiều người dân tại các tỉnh miền Trung từ Quảng Trị đến Quảng Nam, Đà Nẵng đã đổ xô đi mua muối i-ốt dự trữ.

PGS-TS Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam – khẳng định qua phân tích mẫu nước biển tại các trạm quan trắc của Viện Năng lượng nguyên tử cho thấy Việt Nam chưa phát hiện có phóng xạ trong nước biển và việc lấy mẫu, đo độ phóng xạ trong nước biển vẫn được tiến hành hàng ngày.

Sau khi Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước khác tỏ ý lo ngại về mức độ ô nhiễm môi trường, Nhật Bản đã ngừng xả nước nhiễm phóng xạ ra biển. Hiện nay theo số liệu báo cáo của cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế và các tổ chức quốc tế, nồng độ phóng xạ I-131 đo cách bờ biển của Nhật 30 km nhỏ hơn mức Tokyo khuyến cáo trẻ em ngừng uống nước máy”.

Theo dự đoán, đám mây phóng xạ tiếp tục lan rộng tại khu vực Đông Nam Á và di chuyển về phía Ấn Độ xuống Nam Bán Cầu. Tuy nhiên nồng độ hạt nhân phóng xạ đo được tại các trạm quan trắc tại Đông Nam Á là rất thấp so với mức cho phép.

Tuệ Khanh

Theo vnmedia.vn


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc