Home » Khám Phá, Khoa học » Năng lượng tái tạo – Kỳ 1: Tiềm năng lớn ở Đông Nam Á
Rất nhiều quốc gia tại Châu Á hiện đang đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo như mặt trời, gió…

[title]

Gió là một trong những nguồn năng lượng tái tạo quan trọng. (AFP: US Department of Energy)


Một số nước có sức mạnh kinh tế hàng đầu trong khu vực Châu Á, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ, nay trở thành những quốc gia quan trọng trong việc đầu tư và sử dụng năng lượng tái tạo.

Các nhà phân tích cho rằng mặc dù các quốc gia khác trong vùng Đông Nam Á đều có tiềm năng tương tự như Trung Quốc và Ấn Độ nhưng tất cả đều phải xếp sau hai nước này.

Hiện nay, cũng như nhiều nước khác trên thế giới, các quốc gia ASEAN đang phải đối mặt với những khó khăn tương tự trong lúc tình trạng bất ổn chính trị tại các nước sản xuất dầu lửa ở Bắc Phi và Trung Đông đang đẩy giá dầu lên cao gần tới mức kỷ lục trước đây.

Ngay từ hồi năm 2006, khi giá dầu thế giới tăng cao đe dọa kinh tế toàn cầu, Bộ trưởng Năng lượng các nước ASEAN đã cùng cam kết đẩy mạnh đầu tư vào năng lượng tái tạo. Ngoài ra, họ cũng kêu gọi các nước trong khu vực hợp tác mật thiết hơn nữa trong trong lĩnh vực này.

Đầu tư không đồng đều

Ông S. Chander, Chủ tịch Ủy ban Năng lượng thuộc Ngân hàng Phát triển Á Châu (ADB), cho biết Đông Nam Á rất tiến bộ trong việc phát triển năng lượng tái tạo. Trong thời gian gần đây nhiều nước trong vùng này, đặc biệt là Thái Lan và Philippines, đã có nhiều hoạt động tìm kiếm nguồn năng lượng tái tạo một cách tích cực.

Tuy nhiên, một số quốc gia khác vẫn còn ‘chậm lụt’ trong lĩnh vực này ví dụ như ba nước Đông Dương gồm Việt Nam, Lào và Campuchia hầu như không có chút ‘động tĩnh’ nào trong vấn đề phát triển hoặc đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Trong khi đó, vào năm 2009 Trung Quốc đã đầu tư tới 34 tỷ đô-la vào năng lượng tái tạo và qua đó vượt mặt Hoa Kỳ để trở thành nước hàng đầu thế giới trong vấn đề đầu tư vào lĩnh vực này.

Ông Rafael Senga, Giám đốc Chính sách Năng lượng của tổ chức WWF, tức tổ chức chuyên về môi trường trong vùng Châu Á Thái Bình Dương, cho hay hầu hết các nước trong vùng Đông Nam Á đều bị Trung Quốc bỏ lại sau lưng.

Ngành công nghiệp năng lượng tái tạo Trung Quốc có chính sách hỗ trợ rất lớn về tài chính. Ví dụ trong kế hoạch kích cầu của chính phủ Trung Quốc công bố năm 2009 (khi cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đang trong giai đoạn nghiêm trọng nhất) đã có nhiều khoản cho vay tại chỗ cũng như tài trợ cho các hoạt động liên quan tới năng lượng tái tạo.

Trong khi đó nhiều quốc gia như Philippines và Indonesia là những nước có vị trí địa lý tọa lạc trên Vòng đai Núi lửa Thái Bình Dương vốn chứa rất nhiều năng lượng địa nhiệt của thế giới hứa hẹn rất nhiều tiềm năng trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là năng lượng địa nhiệt. Người ta ước lượng 40% nguồn dự trữ địa nhiệt của thế giới nằm tại Indonesia.

Theo ông Senga, hai quốc gia Việt Nam và Thái Lan, vốn sản xuất rất nhiều gạo và đường mía, là hai nước có nhiều tiềm năng tạo ra năng lượng sinh khối (biomass) từ các chất thải nông nghiệp.

Năng lượng gió và mặt trời

Tuy nhiên ông S. Chander cho biết gió là tiềm năng lớn lao nhất của khu vực Đông Nam Á và gió sẽ tạo ra bước đột phá lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Tất cả mọi quốc gia trong vùng Đông Nam Á đều có tiềm năng rất lớn lao về gió. Để khai thác năng lượng gió người ta cũng không cần sử dụng nhiều đất đai. Trong khi đó đất đai trong vùng Đông Nam Á khá màu mỡ và có thể dùng vào nhiều việc khác.

Khi so sánh giữa gió với năng lượng mặt trời, ông Chander cho hay khu vực Đông Nam Á sẽ không sử dụng nhiều năng lượng mặt trời vì việc sử dụng này không có lợi nhiều lắm.

Ông cho biết người ta chủ yếu khai thác năng lượng mặt trời qua việc đặt các tấm hứng nguồn năng lượng này trên các mái nhà. Nên theo ông Chander, gió sẽ là loại năng lượng có nhiều tiềm năng hơn đối với vùng Đông Nam Á.

Những yếu tố quan trọng khác

Các chuyên gia cũng tin rằng những nước chưa được biết đến nhiều trong vấn đề năng lượng cũng có thể giữ vai trò quan trọng.

Ông Paul Curnow, thành viên trong công ty luật Baker and Mackenzie’s Global Environment Markets đồng thời là một cố vấn về chính sách năng lượng tái tạo cho chính phủ Úc, cho hay lĩnh vực năng lượng tái tạo không chỉ quanh quẩn trong vấn đề năng lượng vật chất ‘thuần túy’ mà còn bắt nguồn từ nhiều yếu tố khác như sản xuất, nghiên cứu và phát triển.

Theo ông Curnow, tất cả những yếu tố này tạo nên những nét quan trọng trong bức tranh năng lượng. Ông nêu ra dẫn chứng về Singapore, một quốc gia đã cung cấp rất nhiều tiền của và công sức vào việc khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực kỹ thuật, nghiên cứu, phát triển và chế tạo.

Ông cũng cho hay trong khi các nước như Trung Quốc và Ấn Độ đã sản xuất rất nhiều sản phẩm liên quan tới năng lượng tái tạo như các tấm thu năng lượng mặt trời thì ở nhiều nơi tại Đông Nam Á việc này chỉ đang trong giai đoạn bắt đầu.

Theo ông Curnow, vấn đề không chỉ là đơn thuần là chế ngự và khai thác các nguồn năng lượng mà còn bao trùm nhiều địa hạt khác nhau như tạo ra dây chuyền cung cấp cho các nguồn này. Ông cho rằng các nước Đông Nam Á có thể giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Ông Curnow cũng cho biết một số công ty sản xuất các tấm thu năng lượng mặt trời đang muốn đặt cơ sở sản xuất tại Việt Nam.

Nguồn Big potential for SE Asia renewable, bayvut.com.au

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc