Home » Xã hội » Giúp trẻ thoát khủng hoảng tinh thần sau thiên tai
Ác mộng, cáu kỉnh, sợ sệt khi nhìn thấy nước hoặc nghe tiếng gió… là những sang chấn tinh thần có thể xảy ra ở trẻ sau cơn bão lũ. Bác sĩ tâm lý đã đưa ra những lời khuyên nhằm giúp trẻ thoát khỏi tình trạng trên.

Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh, phụ trách đơn vị Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM cho hay, dù các thảm họa tự nhiên chỉ xảy ra trong thời gian ngắn, nhưng ảnh hưởng tâm lý trẻ có thể kéo dài hàng tháng và thậm chí hàng năm.

Trẻ em Quảng Bình sau cơn bão số 9. Ảnh: Xuân Quang.


“Sang chấn này có thể biến mất nhanh hay để lại di chứng nặng nề, tùy thuộc vào nhiều yếu tố trong đó việc chăm sóc, hỗ trợ tâm lý”, bà Thanh nói.

Theo bác sĩ Thanh, ám ảnh thiên tai có thể khiến dưới 6 tháng tuổi tiểu dầm thường xuyên, bám víu cha mẹ, rối loạn giấc ngủ, biếng ăn, sợ bóng tối, nhút nhát, tránh né tiếp xúc.

Với trẻ ở cấp tiểu học là hành vi cáu kỉnh, hung hăng, bám víu, ác mộng, tránh đi học, kém tập trung, rút khỏi bạn bè và sinh hoạt. Còn đối với trẻ vị thành niên là biểu hiện rối loạn ăn ngủ, hiếu động, tăng xung đột, dấu hiệu thể chất, có hành vi phạm pháp và kém tập trung. Một số ít trẻ có thể có nguy cơ bị chết lặng, khó tập trung và dễ giật mình.

Nguy cơ hoặc trầm cảm, thậm chí tìm cách tự tử, cũng có thể xảy ra ở một số hiếm trẻ vị thành niên, nhất là những em chưa bao giờ chứng kiến dẫn đến quá bất ngờ khi thiên tai xảy ra hoặc có người thân bị tử vong.

Để giúp trẻ thoát khỏi sang chấn tâm lý, bác sĩ Thanh khuyên phụ huynh và giáo viên cần bình tĩnh lắng nghe trẻ mô tả lại cảm xúc với sự đồng cảm, khuyến khích trẻ nói về nỗi sợ hãi của mình. Bên cạnh việc kể hoặc viết, trẻ cũng có thể chia sẻ bằng hình vẽ.

Củng cố mối quan hệ của trẻ với các bạn, vì các mối quan hệ này sẽ giúp trẻ ứng phó với hoàn cảnh khó khăn tốt hơn, đồng thời tránh trẻ bị cô lập. Sai lầm lớn nhất là hiện tượng cha mẹ do quá đau khổ và căng thẳng, thay vì nghe con tâm sự thì lại gạt phăng đi theo kiểu “im đi, đừng có làm phiền” hay “cha mẹ đã rối lên mà mày còn thế à”. Xử sự này của bố mẹ khiến trẻ càng căng thẳng hơn.

Cũng theo bà Thanh, trung bình mỗi năm VN có đến hàng chục cơn bão lũ, vì thế ngoài những hoạt động trợ giúp sau thảm họa, người lớn cũng nên mô tả cho trẻ biết trước tính chất của nguy hiểm của bão hoặc lũ, để trẻ không bị sốc khi thực tế xảy ra.

Thiên Chương

Theo maivoo

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc