Home » Danh nhân, Văn hóa » Văn hóa truyền thống: Coi trọng pháp lệnh, không sợ quyền thế
Đới Trụ, tự là Huyền Dận, là người huyện An Dương, Tương Châu dưới thời Đường. Ông thanh liêm chính trực nên được Đường Thái Tông trọng dụng, bổ nhiệm làm Đại lý tự Thiếu khanh, phụ trách quản lý hình ngục tư pháp. Đới Trụ luôn luôn theo lẽ công bằng mà chấp pháp, ngay cả Hoàng đế cũng không thể khiến ông vì việc tư mà làm trái pháp luật được.
Ảnh minh họa (Nguồn: Secret China)

Ảnh minh họa (Nguồn: Secret China)

Trưởng Tôn Vô Kỵ có lần được gọi vào cung, không cởi bỏ thanh bội đao mà tiến vào cung. Một quan Thượng thư cho rằng người Giáo úy giữ thành không phát hiện ra điều đó, cần phải bị xử tử hình, còn Trưởng Tôn Vô Kỵ được miễn tội (vì là thân thích của Hoàng đế). Đới Trụ cho rằng Giáo úy và Trưởng Tôn Vô Kỵ tội giống như nhau, nếu xử lý như vậy thì không thể gọi là hình pháp được. Thái Tông nói: “Pháp lệnh là pháp lệnh dành cho người trong thiên hạ, làm sao Trẫm có thể thiên vị cho người thân thích được!”, rồi một lần nữa lại định tội, muốn cả hai đều phải bị xử tử. Đới Trụ và vua tranh luận mấy phen, cuối cùng Trưởng Tôn Vô Kỵ và Giáo úy đều được miễn tội chết.

Lúc ấy những người dự thi tụ tập ở kinh thành, có mấy kẻ giả mạo gia phả nhận làm thân thích của những người có công với triều đình, hòng được tuyển bạt làm quan. Hoàng đế hạ chiếu để cho những kẻ này tự thú, nếu không tự thú thì sẽ bị xử tội chết. Chẳng lâu sau, mấy kẻ bịp bợm bị xét xử, lúc phán án định tội, Đới Trụ cho rằng những người đó theo pháp luật thì phải bị lưu đày. Hoàng đế nói: “Trẫm hạ chiếu những kẻ không tự thú sẽ xử tử hình, khanh hôm nay lại nói cần phải lưu đày, đó chẳng khác nào nói cho người trong thiên hạ rằng Trẫm không giữ chữ tín, chẳng lẽ khanh nhận hối lộ nên muốn giảm hình phạt cho tội phạm hay sao?“. Đới Trụ nói: “Bệ hạ nếu lúc đó giết hắn, thần không xen vào. Bây giờ đã giao cho thần xử lý, thần làm sao dám làm trái pháp lệnh được đây?“. Hoàng đế nói: “Khanh chỉ để ý tuân theo pháp luật của mình, lại để cho ta thất tín với người dân, làm sao bây giờ?“. Đới Trụ nói: “Pháp lệnh, là nhằm để cho người ta tuyên dương đại tín; ngôn ngữ cũng là người ta nhất thời vui giận mà thuận miệng nói ra. Bệ hạ nhất thời tức giận muốn giết chúng, đã biết không thể làm như thế nên giao cho cơ quan Pháp luật, đây là khoan dung nhẫn nại mà không nóng giận nhỏ nhen, bảo tồn được đại tín. Nếu vì để nhất thời hả giận mà làm việc trái với đại tín, thần vì bệ hạ mà tiếc hận“. Hoàng đế nghe xong rất cảm động, tỉnh ngộ, thuận theo lời ông nói.

Đới Trụ nhiều lần mạo phạm Hoàng đế, luôn luôn căn cứ theo các điều khoản của pháp lệnh, dựa theo lý mà phán quyết, Hoàng đế càng thêm trọng dụng ông, sau này thăng chức cho ông thành Thượng thư lệnh, phó xạ. Mọi người đều ca ngợi rằng ông xứng với chức vụ, bảo rằng từ thời Vũ Đức tới nay hầu như không có người như ông. Không lâu sau lại được bổ nhiệm làm Gián nghị đại phu, cùng Ngụy Chinh mỗi ngày luân phiên phụng sự ở hai bên Hoàng đế. Đại Đường thịnh vượng, chính trị trong sạch, phồn vinh ổn định, đó là nhờ vua Đường Thái Tông khiêm tốn, cầu hiền tài, chiêu nạp người cố vấn và trọng dụng Đới Trụ, một vị quan thanh liêm chính trực, không sợ quyền thế, luôn theo lẽ công bằng mà chấp pháp.

Thanh Ngôn

Theo minhhue

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc