Home » Xã hội » “Cột” trách nhiệm xử lý sự cố trong khai thác khoáng sản
Chia sẻ lợi ích khai thác khoáng sản giữa các thế hệ, ưu tiên sử dụng trong nước các khoáng sản thế giới đã cạn kiệt, quy định trách nhiệm xử lý, giải quyết sự cố về môi trường… là những vấn đề được được các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh.

Tại buổi thảo luận về dự án Luật khoáng sản chiều 27/10, đại biểu Nguyễn Danh (Gia Lai) cho rằng, tài nguyên khoáng sản nước ta đa dạng chủng loại nhưng hạn chế về tiềm năng. Những khoáng sản quí hiếm ta có ít, những khoáng sản ta có nhiều thì thế giới cũng có nhiều.

Một số khoáng sản có giá trị như than, dầu mỏ, chúng ta đã khai thác gần cạn. Do đó cần có những biện pháp tích cực tránh thất thoát, lãng phí tài nguyên quốc gia và đáp ứng mục tiêu công bằng, chia sẻ lợi ích giữa các thế hệ.

Ông Danh đề nghị, cần xác định loại nào dừng khai thác, loại nào khai thác trễ lại, loại nào khai thác phổ biến… Để làm được điều này trong thẩm định phải cập nhật được chỉ số cạn kiệt của từng loại tài nguyên khoáng sản trên thế giới và ở trong nước.

Cùng quan điểm với đại biểu Danh, đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) đề nghị phải có một chiến lược về khoáng sản. Theo ông Xuân, những việc xảy ra với Trung Quốc, Nhật và châu Âu trong vấn đề khai thác đất hiếm vừa qua là một bài học.

Chỉ vài năm nữa Việt Nam phải nhập khẩu than

Chỉ vài năm nữa Việt Nam phải nhập khẩu than

Nhưng không chỉ có đất hiểm, bởi hiện nay một số nước có rất nhiều dầu mỏ nhưng không khai thác hoặc khai thác rất hạn chế và chủ yếu mua của nước ngoài. Từ thực tế này, ông Xuân đề nghị, những tài nguyên gì thế giới cạn kiệt hoặc hạn chế khai thác, chúng ta phải có chiến lược ưu tiên cho các doanh nghiệp trong nước, phục vụ trong nước trước.

“Tôi nói có điều rất vô lý như than hiện nay chỉ còn vài năm nữa là hết hoặc không đủ cung cấp cho nhu cầu trong nước, nhưng bây giờ vẫn xuất khẩu tràn lan ra nước ngoài”, ông Xuân nhấn mạnh.

Đại biểu Xuân cũng cho rằng, hiện còn rất nhiều vấn đề về quản lý tài nguyên. Theo ông, chính quyền, lực lượng vũ trang của chúng ta sức mạnh rất lớn, lực lượng rất đông, đánh bại được cả thực dân đế quốc mà không đánh bại được mấy loại “tặc” đơn giản “vàng tặc”, “sa tặc”…

Sở dĩ như vậy là do không quy trách nhiệm cho chính quyền địa phương trong việc xác lập quyền sở hữu Nhà nước. Thêm nữa, không xem việc khai thác trộm tài nguyên đấy là trộm cắp.

“Bây giờ cái gì không phải của mình, mình chiếm lấy, sở hữu rồi đem bán đi thì phải xem đó là trộm cắp hoặc tham ô. Mà trộm cắp, tham ô thì phải xử theo tội của trộm cắp, tội rất nặng”, ông Xuân phân tích.

Theo ông, người quản lý không khéo để xảy ra thất thoát tài nguyên là tội thiếu trách nhiệm nên phải quy định vào những điều cấm và xử lý thật nghiêm hành vi này.

“Tôi tin rằng nếu chúng ta quy ra trách nhiệm được cho các chính quyền địa phương thì không có một đối tượng nào có thể manh động. Sẽ không có chuyện 2 tỉnh chung một dòng sông, sang khai thác cát bên này, lực lượng chức năng đuổi chạy qua bên kia dòng sông, thế là thôi, chỗ đó của tỉnh khác, hay là xã này đuổi chạy sang xã khác rồi bảo thôi, tôi hết việc”, ông Xuân tiếp.

Liên quan đến một điều khoản trong luật quy định tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản phải thực hiện các giải pháp và chịu mọi chi phí để bảo vệ, cải tạo phù hợp môi trường, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) băn khoăn về việc “đóng khung” những giải pháp và chi phí bảo vệ, cải tạo phù hợp môi trường trong 3 tài liệu: dự án đầu tư, báo cáo đánh giá tác động môi trường, bản cam kết bảo vệ môi trường.

Lấy dẫn chứng về việc khai thác bô xít ở Tây Nguyên, ông Hùng cho rằng 3 tài liệu trên mới là lý thuyết, ai dám đảm bảo thực tế khi bắt đầu khai thác không phát sinh những gì về vấn đề môi trường.

Để tránh “tay ta lại buộc ta” ông Hùng đề nghị bổ sung thêm một khoản về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản, cơ quan quản lý nhà nước trong xử lý những vấn đề phát sinh về bảo vệ môi trường từ quá trình khai thác.

Về xử lý sự cố, ông Hùng cho rằng, vừa qua trên thế giới có 2 sự cố mà dư luận rất quan tâm là vụ 33 thợ mỏ Chi lê, vụ vỡ và tràn bùn đỏ ở Hungari, nhưng trong toàn bộ dự thảo luật của ta không có nội dung nào nói về quy định trách nhiệm xử lý, giải quyết khi có sự cố về môi trường xảy ra.

Vì thế ông Hùng đề nghị bổ sung một điểm về vấn đề môi trường là quy định trách nhiệm xử lý, giải quyết sự cố về môi trường khi việc này xảy ra.

Cấn Cường

Theo dantri


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc