Home » Danh nhân, Văn hóa » Văn hóa truyền thống: Chín đức tính mà Cao Đào đề xuất

Ảnh minh họa (Nguồn: Tales Of Wisdom)

Khổng Tử nói: “Thuấn hữu thiên hạ, tuyển vu chúng, cử Cao Đào, bất nhân giả viễn hĩ” (Luận ngữ – Đằng Văn Công thượng, phần I).

Tạm dịch nghĩa: “Vua Thuấn có được thiên hạ, liền tuyển chọn hiền tài, chọn được Cao Đào, và những kẻ xấu đều lánh xa”. Theo sử sách, Cao Đào là quan trông coi hệ thống Tư pháp thời vua Thuấn, chấp pháp nghiêm cẩn mà công chính, thiên hạ không có ai bị xử oan. Ông chú trọng giáo hóa, chế tác lễ nhạc.

Cao Đào là người thành Cao Thành (nay là thành phố Lục An, tỉnh An Huy). Ông quản lý tư pháp, cùng với các vị vua Nghiêu, Thuấn, Vũ được xưng tụng là “Thượng cổ tứ Thánh” (“Bốn vị Thánh thời thượng cổ của Trung Quốc”). Cao Đào cho rằng Thiên Thượng tạo ra vạn vật vốn dĩ có chứa đựng đặc tính mỹ hảo kỳ diệu, vì vậy tuân theo thiên ý, bảo trì đức tính mỹ hảo ấy chính là trách nhiệm thần thánh của con người. Ông còn đề xuất “Thiên mệnh hữu đức”, “Thiên thảo hữu tội”, chuẩn mực “Thánh nhân cửu đức” ( nghĩa là “Trời trao sứ mạng cho người có đức”, “Trời diệt kẻ có tội”, chuẩn mực “9 Đức tính của Thánh nhân”).

Cao Đào đề xuất “Cửu Đức” như thế này: “Khoan nhi lật (khoan dung đại lượng nhưng cũng nghiêm túc cung kính), nhu nhi lập (tính tình ôn hòa nhưng lại có chủ kiến), nguyện nhi cung (cẩn thận tỉ mỉ nhưng cũng trang trọng nghiêm túc), loạn nhi kính (có tài trị quốc nhưng cũng thận trọng), nhiễu nhi nghị (giỏi lắng nghe ý kiến của người khác nhưng cũng cương nghị quyết đoán), trực nhi ôn (hành vi chính trực nhưng thái độ ôn hòa), giản nhi liêm (khoáng đạt giản dị nhưng cũng chú trọng cả những việc nhỏ), cương nhi tắc (cương trực nhưng cũng vẹn toàn), cường nhi nghĩa (kiên cường dũng cảm nhưng cũng phù hợp đạo nghĩa)”.

Cao Đào cũng đề xuất “Thận thân”, “Tri nhân”, “An dân” làm phương sách để trị quốc. “Thận thân” nghĩa là phải tự nghiêm khắc yêu cầu chính mình, lấy bản thân làm gương, khiến dân chúng kính phục noi theo. Bề trên lệnh cho kẻ dưới, mà bề trên bản thân lại bất chính, thì dân chúng không trọng Đạo lý, có Luật nhưng không phục tùng. “Tri nhân” nghĩa là chọn lấy người có đức có tài, biết mưu cầu lợi ích cho dân. “An dân” ý là: chỉ khi người dân có cuộc sống yên ổn mới thể hiện được Uy đức của bậc Đế vương.

(Theo Tuần báo Minh Huệ, vietsoh)


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc