Home » Cổ truyền, Tiêu biểu sideshow, Văn hóa » Thời kỳ “Tam quốc”: Trung Quốc khói lửa binh đao, Giao Châu lại yên bình sung túc (phần 1)

Trong thời kỳ ngàn năm bắc thuộc, không phải vị quan cai trị nào cũng như nhau. Nếu gặp quan cai trị hà khắc như Tô Định, Chu Ngung, người Việt sẽ nổi lên. Nhưng cũng có những vị quan nhân đức giúp đời sống người dân ổn định, mà đền thờ cùng những câu chuyện vẫn còn đến ngày nay.

Vào thời kỳ Hậu Hán, nhà Hán suy yếu, Đổng Trác làm loạn muốn cướp ngôi, 18 lộ chư hầu nổi dậy, Trung Quốc bước vào giai đoạn lịch sử binh đao, chiến trận khắp nơi, rồi hình thành “tam quốc”. Thế nhưng ở Giao Châu dù thuộc nhà Hán lại tách biệt ra, không bị cuốn vào máu lửa binh đao, mà lại có được giai đoạn yên ổn, dân chúng no ấm.

Sĩ Nhiếp

Bản đồ Giao Châu. Ảnh từ wikipedia.org CC BY-SA 3.0

Xuất thân

Vào thời vua Hán Hoàn Đế, có ông Sĩ Tứ làm Thái thú quận Nhật Nam (Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Định ngày nay). Tổ tiên ông vốn là người Vấn Dương ở nước Lỗ, khi xảy ra loạn Vương Mãng cướp ngôi, tổ tiên ông đã chạy đến Giao Châu lánh nạn, ở quận Thương Ngô (Quảng Tây ngày nay), và đến đời ông thì được làm Thái thú quận Nhật Nam.

Ở đây cần nói rõ rằng Giao Châu thời Đông Hán rất rộng lớn gồm cả phần lớn vùng đất thuộc Trung Quốc ngày nay (xem bản đồ).

Ông Sĩ Tứ sinh được con trai trưởng ở quê nhà tại Thương Ngô đặt tên là Sĩ Nhiếp. Ông cho con đến kinh đô học, Sĩ Nhiếp lớn lên thi đỗ Hiếu liêm và được bổ nhiệm làm Thượng thư lang.

Muốn xây dựng Giao Châu độc lập, bước đầu gặp khó khăn trở ngại

Khi ông Sĩ Tứ mất, Sĩ Nhiếp về chịu tang cha ở Thương Ngô, sau đó thi đỗ Mậu tài và được bổ nhiệm làm Huyện lệnh huyện Vu Dương. Năm 187 ông đổi làm Thái thú quận Giao Chỉ, đồng thời là “Tuy Nam trung lang tướng” trông coi cả 7 quận của Giao Châu, tước “Long Độ Đình Hầu”.

Sĩ Nhiếp đóng đô ở Luy Lâu thuộc quận Giao Chỉ. Luy Lâu thời bấy giờ là thủ phủ của cả một Giao Châu rộng lớn, là trung tâm kinh tế, văn hóa lớn nhất Giao Châu .

Sĩ Nhiếp

cầu đá vào đền thờ Sĩ Nhiếp. (Ảnh từ alltours.vn)

Giao Chỉ vốn ở rất xa Kinh đô nhà Hán, Sĩ Nhiếp muốn xây dựng nơi đây độc lập với nhà Hán, tuy nhiên mọi việc bàn đầu không dễ dàng. Trước khi Sĩ Nhiếp được cử làm Thái Thú ở Giao Châu có cuộc khởi nghĩa của Lương Long làm chủ nơi đây suốt 3 năm, sau đó vua Hán cử Chu Tuấn đến mới dẹp yên được.

Vì thế mà thế lực của Chu Tuấn rất mạnh, thời Hậu Hán ở Trung Quốc có nhiều biến động lớn, Chu Tuấn đã trợ giúp cho giới thượng lưu đến Giao Chỉ tránh nạn binh đao nên thế lực Chu Tuấn rất mạnh nắm được binh lực, con trai của ông là Chu Phù được cử làm Thứ sử Giao Chỉ.

Thái thú là người đứng đầu, nhưng Thứ sử là do Triều đình cử, có nhiệm vụ giám sát và bẩm báo về Triều đình theo định kỳ, vì thế mà có nhiều việc Sĩ Nhiếp muốn thực hiện nhằm độc lập với nhà Hán nhưng không làm được.

Chu Phù dựa vào thế lực của cha mình nhằm dung túng cho thuộc hạ làm loạn khắp nơi khiến dân chúng oán thán.

Năm 195 Chu Tuấn mất, thế lực nhà Chu Suy yếu hẳn. Chu Phù dung túng thuộc hạ Ngu Bao, Lưu Nghiệm làm “Trưởng lại Giao Châu” nhưng chuyên ức hiếp dân chúng, năm 200 Chu Phù bị dân chúng đánh đuổi, phải chạy ra đường biển nhằm chạy thoát, nhưng cuối cùng vẫn bị dân chúng giết chết. (Theo “Đông Quán Hán ký” phần Chu Phù truyện).

Sau khi diệt được Chu Phù, dân chúng đánh đuổi Ngu Bao và Lưu Niệm khiến cả hai phải chạy trốn khỏi Giao Châu.

Lúc này quyền lực của gia tộc họ Chu sụp đổ, Sĩ Nhiếp có cơ hội để xây dựng Giao Châu, ông cử 3 người em của mình là Sĩ Nhất, Sĩ Vi, và Sĩ Vũ lần lượt làm Thái thú Hợp Phố, Cửu Chân và Nam Hải. Ông cũng dung nạp các sĩ phu trước đây đã theo Chu Tuấn.

Lúc này ở Trung Quốc, Tào Tháo mạnh mẽ uy hiếp của vua Hán, năm 201 Tào Tháo nhân danh Hán Hiến Đế cử Trương Tân làm Thứ sử Giao Châu, nhưng đến năm 206 Trương Tân bị bộ tướng của mình là Khu Cảnh giết chết.

Nghe tin Trương Tân chết, vua Hán gửi thư cho Sĩ Nhiếp có đóng dấu ấn nói rằng: “Giao Châu ở cõi xa, một dải sông biển ở phía nam, ơn trên không truyền đến, nghĩa dưới bị nghẽn tắc, thế mà nghịch tặc Lưu Biểu lại sai Lại Cung dòm ngó đất Nam, nay cho khanh làm Tuy Nam trung lang tướng trông coi bảy quận, lĩnh Thái thú Giao Châu như cũ”. (Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư).

Bức thư của vua Hán cho thấy Triều đình ở xa xôi, nhà Hán đang lụn bại nên cũng không thể quản Giao Châu được nữa, mọi việc chỉ trông chờ vào Sĩ Nhiếp.

Từ đó Sĩ Nhiếp xây dựng một Giao Châu không còn lệ thuộc vào nhà Hán, đứng ngoài các cuộc tranh chấp xưng hùng xưng bá thời Tam quốc.

(Còn nữa)

Trần Hưng

Theo trithucvn.org

 

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc