Home » Thế giới, Tiêu biểu sideshow » Khủng hoảng Venezuela: Maduro cố tước bỏ quyền miễn truy tố của Guaido

Nhằm phế bỏ Quốc hội Venezuela do dân bầu mà phe đối lập chiếm đa số, Tổng thống Nicolas Maduro đã thực hiện hàng loạt động thái nhằm gia tăng quyền lực và thành lập Quốc hội Lập hiến Venezuela năm 2017, trong đó đa số là những người ủng hộ ông.

Venezuela

Chính quyền Nicolas Maduro (bên trái) tìm cách gỡ bỏ quyền miễn truy tố của Chủ tịch Quốc hội kiêm Tổng thống lâm thời Juan Guaido (Ảnh: venezuelanalysis/Independent)

Việc thành lập Quốc hội Lập hiến bị chỉ trích rộng rãi bởi cộng đồng quốc tế. Hơn 40 quốc gia và các tổ chức siêu quốc gia như Liên minh châu Âu, Mercosur (gồm Argentina, Brazil, Paraguay, Uruguay, and Venezuela), Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) đã lên án và tuyên bố không công nhận tính hợp pháp của Quốc hội Lập hiến, theo thống kê trên Wikipedia.

Với quyền lực kiểm soát lực lượng vũ trang, ông Maduro vẫn đảm bảo được sự tồn tại của Quốc hội Lập hiến, trong khi Quốc hội do dân bầu đã ra nghị quyết bác bỏ tính hợp pháp của nhiệm kỳ 2 (2019-2025) của ông Maduro. Chủ tịch Quốc hội Venezuela Juan Guaido, người tuyên bố làm tổng thống lâm thời Venezuela cho tới khi tổ chức bầu cử tổng thống, có nguy cơ sớm bị chính quyền Maduro bắt giữ.

Guaido

Tổng thống lâm thời Venezuela Juan Guaido. Ảnh washingtontimes.com

Dưới đây là diễn biến cuộc khủng hoảng Venezuela tính đến thứ Hai ngày 1/4/2019:

Chánh án Tòa án Tối cao Venezuela Maikel Moreno hôm thứ Hai đã đang yêu cầu Quốc hội Lập hiến thực hiện các bước nhằm phế bỏ quyền miễn trừ truy tố của lãnh đạo phe đối lập Guaido với tư cách là thành viên Quốc hội.

Các quan chức trung thành với ông Maduro trong Quốc hội Lập hiến tuyên bố ông Guaido đang bị điều tra về việc kích động bạo lực chống lại chính phủ và nhận tiền bất hợp pháp, theo Al Jazeera.

Đứng trước nguy cơ bị chính quyền Maduro bắt giữ, Tổng thống lâm thời Guaido hôm thứ Hai tiếp tục kêu gọi người dân Venezuela xuống đường để phản đối tình trạng thiếu điện và nước đang diễn ra tại quốc gia từng giàu có nhất Nam Mỹ.

“Chúng ta sẽ gặp nhau trên đường phố vào ngày mai”, ông Guaido viết trên Twitter. “Chúng tôi sẽ không trốn tránh nhà độc tài.”

Ông Juan Guaido, một kỹ sư hiện 36 tuổi, được bầu vào Quốc hội Venezuela vào năm 2015 và trở thành Chủ tịch Quốc hội vào tháng 1/2019.

Các cuộc biểu tình rải rác vẫn tiếp diễn trên khắp các khu dân cư thuộc tầng lớp lao động của thủ đô Caracas vào thứ Hai. Trong các cuộc biểu tình quanh thành phố vào tối thứ Hai, cảnh sát đã nổ súng sau khi người dân dựng lên các chướng ngại vật đang cháy, theo các nhân chứng của Reuters.

Trong bối cảnh khủng hoảng chính trị và kinh tế ngày càng sâu sắc tại Venezuela, “Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) nói rằng chính phủ độc tài của Tổng thống Maduro đang bắt giữ nhiều nhà báo hơn”, Al Jazeera đưa tin.

39 nhà báo đã bị bắt giữ trong năm nay, theo Viện Báo chí và Xã hội (IPYS) có trụ sở tại thủ đô Carcas – tăng từ mức 22 nhà báo trong năm 2018.

Chính quyền Maduro “đang cố gắng đe dọa và làm mất tinh thần các nhà báo”, nhà phân tích Mariengracia Chirinos của IPYS nói với CPJ. “Việc đưa tin ở Venezuela đã trở thành một hoạt động rủi ro hơn nhiều.”

Trong một số vụ việc, các nhà báo bị bắt giữ khi đang đưa tin về các chủ đề nhạy cảm. Tuy nhiên, các nhà báo và nhiếp ảnh gia khác đã bị bắt vì những hành động dường như vô hại hơn, chẳng hạn như quay phim những bức vẽ trên tường (graffiti) phản đối chính phủ hoặc đưa tin gần dinh tổng thống Miraflores ở thủ đô Caracas.

Hàng chục người Venezuela, đã chạy sang Bolivia trong những tháng gần đây, cho biết họ sợ bị trục xuất khỏi quốc gia đồng minh của ông Maduro, theo Al Jazeera.

Cảnh sát tháng trước đã bắt giữ hơn một chục người Venezuela được xác định là đã lãnh đạo các cuộc biểu tình chống Maduro trước đại sứ quán Cuba ở thủ đô La Paz của Bolivia. Tổng thống cánh tả của Bolivia, Evo Morales là đồng minh của cả Cuba và chính quyền Maduro.

Theo dkn.tv

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc