Home » Cổ truyền, Tiêu biểu sideshow, Văn hóa » Làm sao để hiểu và chăm sóc cha mẹ được tốt nhất

Cha mẹ chăm sóc con cái cẩn thận từng bữa ăn, giấc ngủ, kiên nhẫn bón từng thìa cho đến khi hết tô cháo. Nỗi khi con cái đau ốm đều lo lắng cẩn thận sờ trán, thức cùng con. Giờ đây cha mẹ đã già yếu, liệu chúng ta có chăm sóc cha mẹ tốt được như thế không?

Con cái liệu có hiểu cha mẹ

Ngày nay con cái dù có yêu thương nhưng thường là không hiểu tấm lòng cha mẹ mình. Nhiều người sinh ra vùng thôn quê, lớn lên rời xa gia đình đến thành phố đi học rồi lập nghiệp, khi lập gia đình có con cái đã không nhớ và hiểu nổi tấm lòng cha mẹ.

Khi người mẹ từ quê nhà ra phố thăm con cái, quà ở quê chẳng có gì nhiều, chỉ có ít trái cây, trứng gà và vài món gia vị ở nhà làm. Tuy nhiên người con thấy quà của mẹ thì thường nói: “mẹ mang những thứ này đến làm gì, ở đây đã có hết rồi”.

Quà ở quê chẳng có gì, nhưng đó là tinh thần và tình cảm của người mẹ ở quê nhà lên thành phố thăm con, người con không muốn mẹ mang những quà ấy đến thành phố vì không muốn mẹ mình phải vất vả, nhưng lời nói của người con khiến người mẹ tủi thân vì nghĩ rằng con mình giờ ở thành phố sung sướng rồi giờ không cần mình hay sự quan tâm của mình nữa. Vì thế điều mà người con từ chối không chỉ là gói quà mà còn là tấm lòng của người mẹ.

Người già thường có tâm lý sợ mình trở thành người vô dụng, tạo gánh nặng cho con cái. Nhưng nhiều người không muốn mẹ mình vất vả, luôn được nghỉ ngơi, nên đã “mời” mẹ mình ra khỏi căn bếp mà vốn đã gắn bó với mẹ cả đời người, kết quả người mẹ cảm thấy mình vô dụng, sống nữa chỉ tạo thêm gánh nặng cho con cái.

Mẹ già

Nhiều người không muốn mẹ mình vất vả, luôn được nghỉ ngơi, nên đã “mời” mẹ mình ra khỏi căn bếp mà vốn đã gắn bó với mẹ cả đời người. (Minh họa từ internet)

Rất nhiều người mẹ muốn được sống với con cháu, nhưng lại không dám đến thành phố ở với con, vì cảm thấy mình giống như gánh nặng, thậm chí chỉ là khách đến ở nhờ, trong khi con cái thì đi suốt, buổi tối lúc mình buồn ngủ thì mới về đến nhà.

Khi cha mẹ đau yếu

Thuở nhỏ mỗi khi con cái đau ốm, cha mẹ lo lắng sờ trán, thức suốt đêm chườm nước đá mong con mau hết sốt; biết con cái đau ốm khó ăn nên người mẹ thường lo lắng không biết món ăn có vừa miệng không, kiên nhẫn bón từng thìa cho khi hết tô cháo mong con mau bình phục.

Ngày nay khi đã khôn lớn có khi nào chúng ta tự hỏi mình đã chăm sóc cho cha mẹ tốt như thế hay chưa.

Nhiều gia đình khi cha mẹ ốm nặng phải nhập viện, việc khám bệnh dành cho bệnh viện, anh em khi phân công thay nhau vào chăm sóc cha mẹ có lúc còn cãi nhau, khiến cha mẹ nhiều khi buồn tủi vì nghĩ mình thành gánh nặng cho con cháu, nhiều người thậm chí còn không muốn mình khỏi bệnh chỉ mong chết đi cho xong để khỏi làm bận lòng con cái.

Cha mẹ thiếu và cần điều gì

Ngày nay con cái mỗi khi tỏ ra quan tâm đến mẹ thường hay hỏi mẹ mình thiếu thứ gì không, người mẹ thường hay trả lời rằng: “Mẹ không thiếu thứ gì cả”. Đúng là như vậy, con cái ở thành phố có điều kiện lo cho mẹ mình đầy đủ, nhưng cái người mẹ thiếu nhưng không thể nói ra là về tinh thần, là đươc ngắm nhìn chuyện trò với con cháu, là bên mâm cơm cả nhà vui vẻ không thiếu một ai.

Hãy giúp mẹ mình luôn là trụ cột về tinh thần trong gia đình, giúp mẹ cảm thấy mình vẫn rất cần cho con cái và gia đình, đó mới là hiếu thuận.

Ngày nay ở các thành phố, con cái thường nghĩ rằng mình đã phụng dưỡng cha mẹ rất tốt, cuộc sống sung túc đầy đủ chẳng thiếu thứ gì, nhưng khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ngày càng xa cách. Người già cảm thấy mình cô đơn lạnh lẽo, bất lực vì cảm thấy mình thành người thừa, thành gánh nặng mà không giúp được gì cho con.

Mỗi năm tết đến xuân về, người mẹ già chỉ muốn nhìn thấy gia đình sum họp vui vầy, được tự tay làm mấy món ngon rồi nhìn con cái của mình ăn thật thỏa thích, cảm tưởng như chúng nó như những đứa trẻ thơ xưa kia vẫn nhờ vào sự yêu thương chăm chút của mình.

Người xưa vốn quan niệm tiền bạc là vật ngoại thân, điều cốt yếu của mỗi gia đình là nền tảng đạo đức tinh thần. Những người già thường hay tích lũy được kinh nghiệm sống về chuẩn mực đạo đức, về bài học làm người, và hay dùng những điều này để nói chuyện và răn dạy con cháu, khoảng cách cha mẹ và con cái rất gần.

Về tấm gương chăm sóc mẹ già trong lịch sử, phải nói đến Hán Văn Đế thời nhà Hán

Tấm gương hiếu thuận với mẹ nổi tiếng trong lịch sử

Hán Văn Đế tên thật là Lưu Hằng, ông lên ngôi Hoàng Đế trong thời điểm Lã Hậu vừa mất, ngôi Vua còn trống, mẹ của ông là Bạc Cơ là người nổi tiếng nhân nghĩa và hiền đức, lại không có lợi dụng quyền hành kết bè cánh như Lã Hậu, một đời trọng đức, Lưu Hằng lại cũng là người trung hiếu. Vì thế Triều đình sau khi trừ bỏ vây cánh của Lã Hậu đã tôn Lưu Hằng làm Hoàng Đế, hiệu là Hán Văn Đế.

Được sự giáo dưỡng từ người mẹ nhân đức, Hán Văn Đế nổi tiếng là một bậc minh quân, giúp Đại Hán đi vào giai đoạn thịnh trị sau nhiều năm biến động.

Đối với Giang Sơn Xã Tắc ông nổi tiếng với chính sách tiết kiệm, giảm thuế rất nhiều, thậm chí xóa bỏ nhiều khoản thuế trước đó, giảm nhẹ lao dịch.

Đối với gia đình ông là một người con hiếu thảo. Sau khi lên ngôi Vua, mẹ ông lá Bạc Cơ có một giai đoạn bị ốm suốt 3 năm liền, hễ rảnh việc Triều chính ông đều đến thăm mẹ, thức khuya để chăm sóc mẹ mình. Mỗi khi quan ngự y dâng thuốc, ông đều nếm trước rồi mới dâng cho mẹ mình uống.

Ông chăm sóc mẹ đến nỗi không buồn ăn uống, thức khuya chăm mẹ đợi lúc mẹ ngủ rồi ông mới ngủ theo, những hôm mẹ không ngủ được ông cũng thức theo mẹ.

Tượng Hán Văn Đế chăm sóc mẹ. (Ảnh từ wikipedia.org)

Tượng Hán Văn Đế chăm sóc mẹ. (Ảnh từ wikipedia.org)

Tấm lòng hiếu thảo của Văn Đế được các quan trong Triều tận mắt chứng kiến rồi đồn ra bên ngoài khiến trăm họ đều biết. Từ đó từ quan tới dân ai cũng học theo Hoàng Đế, khiến đạo đức thăng hoa, Giang Sơn bước vào giai đoạn thịnh trị.

Ngày xưa quan niệm “bách thiện hiếu vi tiên” nghĩa là trăm điều thiện thì hiếu là đầu tiên, là một người nhân nghĩa thì trước hết phải coi trọng và chăm sóc tốt cha mẹ của mình. Nếu không yêu thương chăm sóc ngay cả với mẹ của mình, thì Hán Văn Đế làm sao có thể chăm lo vào bao dung được với muôn dân trăm họ? Giang Sơn làm sao có thể thịnh trị?

Xưa kia xã hội quan niệm vật chất của cải có được là nhờ ăn ở có đức. Vì thế mà những lời dạy v62 đạo đức của cha mẹ già dễ được con cháu lắng nghe, khiến cha mẹ không cảm thây cô đơn trống trải, cảm thấy con cái có thể hiểu và chia sẻ được cùng con cháu vốn quý trong cuộc sống.

Ngày nay hầu như không còn ai xem rằng của cải vật chất có được là do ăn ở có đức, vì thế mà cha mẹ cũng khó có thể chia sẻ được với con cái của mình, cảm thấy cô đơn với tuổi già, vì thế mà kho báu vô giá của cha mẹ cứ bị mai một dần theo thời gian.

Tìm về với cội nguồn dân tộc, chúng ta mới dần dần có thể hiểu được nỗi lòng cha mẹ mình, từ đó mới dễ dàng cùng nhau chia sẻ. Khi đó mới có thể thật sự hiểu và bày tỏ sự hiếu thuận với cha mẹ.

Ánh Sáng

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc