Home » Kinh doanh » Vì sao Việt Nam không trúng thầu bán gạo cho Philippines?

Doanh nghiệp Việt Nam không trúng bất cứ lô thầu nào trong gói thầu 250 ngàn tấn gạo 25% tấm do Cơ quan Lương thực quốc gia Philippines (NFA) mở thầu hôm 22 tháng 5 năm 2018.

canh dong

Mạng báo VNEconomy đưa tin ngày 25/5 cho biết các doanh nghiệp tham gia buổi đấu giá gạo tại Philippines lần này là những doanh nghiệp lớn trong làng xuất khẩu gạo Việt Nam như Vinafood 1, Vinafood 2, Công ty cổ phần Quốc tế Gia, Công ty Cổ phần tập đoàn Tân Long, Công ty cổ phần Gentraco…

Giá trần do NFA đưa ra là 498,25 USD/tấn. Giá bỏ thầu của Thái Lan thấp nhất 460 USD/tấn và cao nhất là 465 USD/tấn.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Tổng Giám đốc Công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2) cho báo chí biết các công ty Thái Lan bỏ thầu giá quá thấp, thậm chí còn thấp hơn giá thành sản xuất gạo của Việt Nam hiện nay nên họ trúng hết.

Ông cho rằng đây là sự cạnh tranh giữa các công ty Thái Lan với các công ty đa quốc gia để có thị phần gạo tại thị trường Philippines.

Giáo sư – Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, một nhà khoa học thuộc lĩnh vực nông nghiệp đặc biệt là ngành trồng lúa nói với chúng tôi về suy nghĩ của ông trong vụ Việt Nam thua trắng lần này:

Tôi nghĩ họ chơi trò giống Việt Nam mình trước đây. Trước đây Vinafood muốn giành thầu nên họ cũng bỏ giá thấp nhưng mà bị phê phán quá nhiều. Bỏ thấp như vậy về mua lại lúa giá cao thì lại bị lỗ. Một phần họ lỗ, một phần họ bắt các công ty con, các nhà xay xát, đánh bóng gạo chịu lỗ chung.

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng Việt Nam là nước sản xuất gạo với giá rất rẻ mà không cạnh tranh nổi thì làm sao Thái Lan có thể có lãi. Đây thực sự là ngạc nhiên cho nhiều người. Ông nói thêm:

Nhìn chung thì giá thành gạo Thái Lan cao hơn Việt Nam trong nhiều năm nay, nên việc Thái Lan khi đấu thầu gạo ở Philippines họ bỏ giá thấp hơn Việt Nam thì thật sự là ngạc nhiên cho nhiều người.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này băn khoăn không hiểu lý do này từ đâu. Cũng có những ý kiến có thể có sự trợ giá của chính phủ hay đây là kế hoạch họ bàn bạc để chiếm lĩnh thị trường.

Một cánh đồng ở ngoại thành Hà Nội hôm 18 tháng 9 năm 2013. AFP PHOTO.

Một cánh đồng ở ngoại thành Hà Nội hôm 18 tháng 9 năm 2013. AFP PHOTO.

Cũng theo tiến sĩ Đặng Kim Sơn thì có một số nguyên nhân khác, chẳng hạn như trong ba tháng trở lại đây phía Thái Lan giảm tỷ giá đồng Baht liên tục, cho nên xét về mặt tỷ giá thì họ tương đối thuận lợi trong khi tỷ giá đồng Việt Nam so với đô la Mỹ vẫn cứng trong suốt thời gian qua.

Một trong những lý do chính mà Việt Nam rớt gói thầu kỳ này là do giá gạo cao. Giá một tấn gạo thành phẩm có thể xuất khẩu của Việt Nam có giá khoảng 482 USD theo tỷ giá hiện nay. Giáo sư Võ Tòng Xuân xác nhận:

Một kg lúa xay bình thường thì lấy được nửa kg gạo xuất khẩu được, tức là 11 ngàn đồng/kg. Vậy giá một tấn gạo là bốn trăm mấy đô la.

Với nông dân, những người trực tiếp làm ra hạt gạo thì cho chúng tôi biết giá lúa năm nay có cao hơn chút đỉnh, và họ chỉ biết có thương lái:

Thương lái quyết định giá mua. Họ mua bao nhiêu mình bán bấy nhiêu à. Toàn là thương lái mua chứ nhà nước không có mua.

Một nông khác cho biết Xuất khẩu nhiều thì giá lúa lên.

Lý giải vì sao gần đây giá gạo trong nước cao hơn trước, tiến sĩ Sơn nói rằng trong mấy năm gần đây, đặc biệt là năm nay thì Việt Nam theo chỉ đạo chung là thống nhất các địa phương, các tỉnh và các doanh nghiệp đều chuyển sang hướng tăng chất lượng gạo ngon hơn, sạch hơn. Chính vì thế mà giá gạo bán trong nước cũng cao lên. Hơn nữa từ đầu năm đến giờ thị trường gạo tương đối tốt, sôi động, đầu ra cũng tốt nên giá mặt bằng chung trong nước cũng cao. Ông kết luận:

Chính vì thế cả yếu tố tỷ giá, cả yếu tố gạo trong nước tạo điều kiện để các doanh nghiệp của Việt Nam đặt mức giá nhỉnh hơn so với giá gạo người ta đưa ra gọi thầu.

Trả lời với truyền thông trong nước, một số chuyên gia cho rằng “Việc thua thầu lần này chúng ta phải chấp nhận, vì giá gạo của Việt Nam quá cao và chúng ta còn may mắn, vì nếu trúng thầu thì nguy cơ thua lỗ sẽ xảy đến với các doanh nghiệp trúng thầu.”

Hôm 27/4/2018, Philippines đã mở thầu nhập khẩu 250.000 tấn gạo theo hình thức liên chính phủ (G2G), nhưng cả Việt Nam và Thái Lan đều bị loại do giá bỏ thầu cao.

Đến ngày 4/5/2018, Philippines mở thầu lại và Việt Nam đã giành được hợp đồng xuất khẩu 130.000 tấn gạo sau khi chấp nhận hạ giá so với mức giá đưa ra trong lần mở thầu trước đó.

Liệu Việt Nam có tiếp tục hạ giá để giành thị trường xuất khẩu gạo trong tương lai hay không, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn nhận định:

Cho đến gần đây thì tình trạng này hầu như là không còn. Một mặt phía chính phủ có biện pháp kiểm soát giá hợp đồng rất cẩn thận, một mặt các doanh nhân Việt Nam cũng thấy rằng lợi nhuận lâu dài là quan trọng và mọi người hướng dần đến chất lượng và giá cao, cho nên hướng cạnh tranh theo giá thấp không còn là xu hướng hiện nay nữa. Tôi nghĩ nếu định có chủ trương để đấu giá giành thị trường thì sẽ không phải là kịch bản trong tương lai.

Cũng có ý kiến cho rằng nếu có sự phối hợp và tính toán phù hợp với tình hình thực tế khi tham gia đấu thầu gạo quốc tế, thì Việt Nam vẫn có thể thắng thầu với giá tốt dù giá gạo trong nước cao hơn giá gạo Thái Lan. Vậy vai trò của Hiệp hội Lương thực Việt Nam ra sao, Tiến sĩ Sơn cho rằng:

Tất nhiên phải nói đến yếu tố điều phối gạo của VFA (Hiệp hội Lương thực Việt Nam) chưa phải là bài bản, sự phối hợp bên trong nội bộ cũng chưa phải là tốt. Bây giờ đang là giai đoạn tái cơ cấu lại VFA, thay đổi lại chính sách về hỗ trợ lúa gạo nên vai trò của Bộ Công thương cũng đang thay đổi. Vì thế cho nên cái tổ chức trong hoạt động đấu thầu cũng không phải là chuẩn lắm. Đây cũng có thể là một yếu tố làm cho sự phối hợp không được nhuần nhuyễn.

Tuy nhiên tính cả ba yếu tố trên thì vẫn thấy giá Thái Lan đưa ra trong đợt đấu thầu vừa rồi là lạ.

Theo thống kê của The Daily Record hôm 18/1/2018 thì Việt Nam đứng thứ 5 trong top 10 quốc gia sản xuất lúa gạo lớn nhất thế giới hiện nay với tổng sản lượng 38,725 triệu tấn/năm. Thái Lan đứng thứ 6 với tổng sản lượng 30,467 triệu tấn/năm.

Diễm Thi

Theo RFA

Xem thêm:

>> Việt Nam học hỏi gì từ Campuchia – nước xuất khẩu gạo sạch chất lượng cao hàng đầu thế giới

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc