Home » Cổ truyền, Văn hóa » Câu chuyện về nữ Đại tướng quân: “Dụng binh như thần, trí dũng thiên phương không sao phục được”

Đối mặt với nữ Đại tướng quân của Lĩnh Nam, Mã Viện thảm bại phải tấu thư về Triều đình xin thêm viện binh như sau: “Nam bang có nữ tướng Thánh Thiên dụng binh như Thần, trí dũng thiên phương, không sao phục được. Xin bệ hạ phái thêm các tướng giỏi và tiếp thêm quân sĩ sang giúp sức”. 

Nữ tướng

Nữ tướng

Theo dân gian lưu truyền, thời ấy tại làng Bích Uyển thuộc phủ Kinh Môn, quận Hải Dương có vị quan cùng vợ về quê ở ẩn tên là Nguyễn Huyến, gia đình ông vốn thuộc dòng Lạc tướng thời Thục Vương.

Sau đó phu nhân mang thai, một lần phu nhân nằm mộng thấy một người con gái “tự nơi dương đình khâm thụ mệnh Trời, xuống đầu nhập thai sinh”.

Sau 13 tháng mang thai, giữa ngày 12 tháng 2 năm ngọ phu nhân sinh hạ được một gái mày ngài, mắt phượng, tướng mạo oai nghiêm, vợ chồng rất yêu quý con mà đặt mệnh danh cho là Thánh Thiên Công Chúa.

Thánh Thiên thông minh đĩnh ngộ, học một biết mười, năm lên 9 tuổi tam phần, ngũ điển, lục thao, tam lược đều quán thông. Năm 12 tuổi đã có tài văn chương, thông thạo võ thuật

Ông Nguyễn Huyến thường ngày vẫn đem tâm sự gửi gắm trong mấy câu thơ ngâm nga:

Từ khi thất quốc, vong gia

Vợ chồng, con cái đến nhờ thuyền môn

Lòng riêng báo quốc không chồn

Bình lương chứa chất luôn luôn đã nhiều

Ai tài chửa thấy ai theo

Một mình công việc trăm chiều khó đương

Thánh Thiên công chúa (Tranh minh họa)

Thánh Thiên công chúa (Tranh minh họa)

Khi Thánh Thiên được 16 tuổi thì mồ côi cả cha mẹ đời. Vốn từ nhỏ đã thông võ thuật lại chăm chỉ đèn sách, nay nhận thấy cơ hội đã đến Thánh Thiên chiêu mộ quân sĩ khởi nghĩa chống lại nhà Hán.

Lúc này Thánh Thiên nghe tin cậu của mình đã từ quan, chiêu mộ trai tráng chống lại nhà Hán, nên đã cho quân kéo đến Ngọc Lâm phối hợp với cậu mình. Rút kinh nghiệm trước đó, Thánh Thiên cho xây dựng căn cứ lớn ở Ngọc Lâm, ngoài việc thao dợt binh sĩ, còn khai hoang để tích trữ lương thảo, lập các lò rèn để trang bị vũ khí.

Nhờ chuẩn bị kỹ lượng, nên quân của Thánh Thiên đã có nhiều trận thắng lớn, uy danh một phương.

Thời điểm này các cuộc khỏi nghĩa có rất nhiều, nhưng lại không có sự liên kết giữa các nơi. Chính vì vậy cuối năm 39 sau công nguyên Hai Bà Trưng khởi nghĩa, hiệu triệu tất cả các thủ lĩnh cùng quy tụ về. Thánh Thiên cũng như hàng chục các thủ lĩnh khác kéo quân về dưới cờ của Hai Bà Trưng.

Năm 40 sau công nguyên, Hai Bà Trưng xuất quân. Đại hội quân sĩ được tổ chức tại Hát Môn, Trưng Trắc lập đàn tráng, cáo lễ với trời đất, tự xưng là Trưng Nữ Vương, rồi chia quân tiến đánh các nơi.

Thánh Thiên cho quân đánh đuổi quân Hán đến tận thủ phủ Luy Lâu (Thuộc Bắc Ninh ngày nay), Thái thú Tô Định cùng quân Hán chạy trối chết về nước. Thánh Thiên cùng các tướng quét sạch quân Hán ra khỏi bờ cõi, tận đến biên giới là hồ Động Đình. Trưng Vương lên ngôi Vua và đặt tên nước là Lĩnh Nam.

Đầu năm 42 sau công nguyên, vua Hán là Quang Vũ sai Phục ba tướng quân Mã Viện cùng Phó tướng Lưu Long và Đoàn Chí đưa quân tiến đánh Lĩnh Nam, Thánh Thiên được lĩnh ấn “Bình Ngô Đại tướng quân” tức chỉ huy toàn quân chống lại quân Hán, Thánh Thiên cắt cử các cánh quân chống giữ nơi biên ải.

Mã Viện cùng phó tướng Lưu Long tiến đánh hồ Động Đình, nơi đây có tướng quân Phật Nguyệt chống giữ, theo những ghi chép trước đây thì quân của Phật Nguyệt chỉ có 7 vạn quân chống với 30 vạn của Mã Viện, tiếc rằng đến thời nhà Minh đô hộ thì những nguồn sử liệu này bị chở về Kim Lăng nên đã bị thất lạc.

30 vạn quân của Mã Viện không sao tiến vào được hồ Động Đình, quân Hán thảm bại, xác chất thành gò lấp cả sông Trường Giang. Mã Viện phải thêm xin quân tướng mới tiến vào được.

Nhận thấy các chiến thuyền của mình to lớn hơn quân Lĩnh Nam, Mã Viện quyết định hợp quân ở Hợp Phố, nhằm tận dụng đường biển đánh vào quận Giao Chỉ. Tuy nhiên tại Hợp Phố “Bình Ngô Đại tướng quân” Thánh Thiên đã chờ sẵn.

Bản đồ Lĩnh Nam

Bản đồ nước Lĩnh Nam thời Hai Bà Trưng cho thấy biên giới phía bắc tới tận hồ Động Đình (Ảnh: Wikipedia)

 

Bản đồ Lĩnh Nam

Bản đồ từ wikipedia.

Cùng với trận chiến hồ Động Đình, trận chiến Hợp Phố là trận đánh nổi tiếng trong sử Việt trước đây. Mã viện 3,4 trận cho toàn quân tiến đánh nhưng đều đại bại, thây chết ngổn ngang, không chỉ thế Thánh Thiên còn tiến đánh bất ngờ khiến Mã Viện phải cho quân lui về Mã Giang.

Bị quân Lĩnh Nam chặn các ngả đường không tiến được, Mã Viện một lần nữa phải phải dâng biểu về triều đình xin thêm tướng giỏi và quân tinh nhuệ giúp sức: “Nam bang có nữ tướng Thánh Thiên dụng binh như thần, trí dũng thiên phương, không sao phục được. Xin bệ hạ phái thêm các tướng giỏi và tiếp thêm quân sĩ sang giúp sức”. 

Vua Hán lập tức cho thêm quân tướng tinh nhuệ sang giúp Mã Viện cùng mật truyền: “Nên dùng mưu mà đánh”.

Có thêm quân tinh nhuệ, Mã Viện không dám tiến đánh Thánh Thiên mà chia làm 2 cánh thủy bộ, cánh quân bộ  tiến chiếm Thương Ngô rồi cho quân đi ngầm qua Quỷ Môn quan (ải Chi Lăng thuộc tỉnh Lạng Sơn ngày nay) lẻn xuống vùng Lục Đầu rồi tiến ngược lên Lãng Bạc, cánh quân thủy bí mật xuống các chiến thuyền lớn ở Hợp Phố rồi theo đường biển đến Lãng Bạc. Hai cánh quân thủy bộ của quân Hán hội tại Lãnh Bạc (thuộc Tiên Du ngày nay).

Hai Bà Trưng cho quân rút đến Cẩm Khê lập căn cứ để chống quân Hán, những nghiên cứu mới đây cho thấy Cẩm Khê có thể ở thung lũng Suối Vàng, ở chân ngọn núi Vua Bà cao 525m, trong dãy Ba Vì thuộc Hà Tây.

Quân Hán tiến đánh Cẩm Khê, các trận đánh rất ác liệt từ mùa hè năm 42, đến mùa xuân năm 43 thì Cẩm Khê thất thủ.

Từ mạn bắc, Thánh Thiên nghe tin Cẩm Khê thất thủ liền đưa quân về tiếp ứng nhưng không kịp, liền đưa quân đóng ở sông Nhật Đức (tức sông Thương ngày nay). Quân Hán tiến đánh với chiến thuật chia cắt đội hình, quân của Thánh Thiên không thích nghi được nên thất trận phải rút về Ngọc Lâm.

Quân Hán tiến đánh Ngọc Lâm, trong trận giao tranh ác liệt, bị bao vây tứ phía, Thánh Thiên đánh đến kiệt sức rồi hy sinh tại bến Ngọc (tên chữ là Ngọc Chử, là một bến của con sông nhỏ Đa Mai) thuộc địa phận làng Ngọc Lâm ngày nay.

Nễ hội đền Ngọc Lâm

Lễ hội đền Ngọc Lâm. (Ảnh từ báo Bắc Giang)

Cảm phục trước khí tiết của Thánh Thiên, người dân làng Ngọc Lâm đã lập miếu thờ ở bên bến Ngọc. Về sau ngôi miếu này được xây dựng khang trang thành đền Ngọc Lâm, hiện trong Đền vẫn còn câu đối ca ngợi Bình Ngô Đại tướng quân:

Phiên âm Hán Việt:

Đông hải chung anh, thiên vị Trưng triều sinh nữ tướng,

Bắc nhung kinh phách, nhân ư Ngọc chử ngưỡng thần uy.

Nghĩa là:

Nhân khí bể Đông, trời giúp nhà Trưng sinh nữ tướng,

Kinh hồn giặc Bắc, người nơi bến Ngọc ngưỡng thần uy.

Thánh Thiên

Đền Ngọc Lâm – nơi thờ Thánh Thiên công chúa. (Ảnh từ ditichlichsuvanhoa.com)

Trong dân gian có lưu truyền bài thơ về Đại tướng quân Thánh Thiên:

Phiên âm Hán-Việt:

Thiên địa sinh ngô nữ tử thân

Trung chi ư quốc, hiếu ư thân

Càn khôn bất phụ tang bồng chí

Khả miễn tam quân quốc sự cần

Nghĩa là:

Trời đất sinh ta thân con gái

Trung lòng với nước, hiếu mẹ cha

Trời đất chẳng phụ người có chí

Chẳng bỏ việc quân, việc nước cần

Hàng năm cứ vào ngày 11 tháng 2 âm lịch (ngày sinh của Thánh Thiên), đền Ngọc Lâm có tổ chức lễ hội lớn để tưởng nhớ đến nữ Đại tướng quân.

Trần Hưng

Theo trithucvn.net

Bài liên quan:

>> Lãnh thổ nước Việt xưa kia lớn gấp 10 lần ngày nay

>> Lừng danh sử Việt: Đội quân duy nhất thế giới từ vua đến tướng đều là phụ nữ

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc