Home » Cổ truyền, Tiêu biểu sideshow, Tiêu Điểm, Văn hóa » Nội hàm sâu sắc của “Thiên thư” trong bài thơ “Nam quốc sơn hà”

Bài thơ “Nam quốc sơn hà” là bài thơ nổi tiếng nhất trong sử Việt, được xem là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc. Đã là người Việt thì hầu như ai cũng biết đến bài thơ này.

Trong sách giáo khoa từ trước đến này đều cho rằng bài thơ này của Lý Thường Kiệt nhằm khẳng định chủ quyền dân tộc và khích lệ tinh thần quân sỹ trong cuộc chiến bảo vệ giang sơn chống lại quân Tống lần thứ 2 năm 1077.

Tuy nhiên các nhà nghiên cứu dựa vào sử sách ghi chép lại đã cho thấy rằng bài thơ có trước thời Lý Thường Kiệt rất lâu, xuất hiện từ năm 981 trong cuộc chiến chống Tống lần đầu tiên vua Lê Đại Hành.

Bài thơ này cũng có các dị bản khác nhau. Trong Trong Lĩnh Nam chích quái, phần “Truyện hai vị thần ở Long Nhãn, Như Nguyệt” cho rằng bài thơ có lời như sau:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư

Hoàng thiên dĩ định tại thiên thư

Như hà Bắc Lỗ lai xâm lược

Bạch nhận phiên thành phá trúc dư

Dịch là:

Sông núi nước nam, vua nam ở
Sách Trời định phận rõ non sông
Cớ sao giặc bắc sang xâm phạm?
Bây hãy chờ gươm chém bại vong

bản gốc chữ Hán trong Đại Việt sử ký toàn thư như sau:

南國山河南帝居,

截然分定在天書。

如何逆虜來侵犯,

汝等行看取敗虚。

Phiên âm Hán Việt:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư

Tiệt nhiên phận định tại thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

Bản dịch của Trần Trọng Kim:

Sông núi nước Nam, vua Nam ở,

Rành rành phân định tại sách trời

Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm

Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời

bài thơ được xem là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc, dù có các dị bản khác nhau, nhưng bản nào cũng khẳng định việc phân định bờ cõi là dựa vào “thiên thư”, vậy “thiên thư” ở đây mang ý nghĩa như thế nào?

Người xưa vốn kính ngưỡng trời đất. Việc phân chia bờ cõi cũng là căn cứ vào trời đất. Sách “sử ký, thiên quan thư” có ghi chép rằng: “天 則 有 列 宿 , 地 則 有 州 域”( Thiên tắc hữu liệt tú, địa tắc hữu châu vực” nghĩa là “Trời thì có các vì sao, đất thì có châu vực”, văn hóa cổ truyền xem các vì sao trên bầu trời liên hệ với các châu vực dưới đất. Tất cả những điều này đều nằm trong học thuyết về “thiên địa nhân” của người xưa.

Từ thời xuân thu chiến quốc, người xưa đã quan sát châu vực dưới đất liên hệ với các vì sao trên bầu trời; các vì sao trên trời lại ứng với các châu, quốc dưới mặt đất.

Do đó “Thiên thư” trong bài thơ “Nam quốc sơn hà” là ý nói đến các ngôi sao trên bầu trời, mỗi ngôi sao đều ứng với một nước, đây là điều được công nhận từ ngàn xưa v2 được xem là “ý trời”. Người Hoa Hạ hay Bách Việt đều có tín ngưỡng vào trời đất, áp dụng học thyết “thiên địa nhân” vào cuộc sống hàng ngày đều hiểu rằng “thiên thư” ấy là phép tắc vĩnh hằng mà con người cần phải viên dung theo đó.

Các triều đại trước đây đều có các quan phụ trách về thiên văn, qua quan sát thiên văn có 28 ngôi sao (nhị thập bát tú) chia đều ở 4 phương bắc, nam, đông, tây. Cụ thể Thanh Long (rồng xanh, ở phương Đông), Bạch Hổ (hổ trắng, ở phương Tây), Chu Tước (sẻ đỏ, ở phương Nam) và Huyền Vũ (rùa đen, ứng với phương Bắc).

Nhị thập bát tú cụ thể gồm 28 sao sau: “Giác, Cang, Đê, Phòng, Tâm, Vĩ, Cơ, Đẩu, Ngưu, Nữ, Hư, Nguy, Thất, Bích, Khuê, Lâu, Vị, Mão, Tất, Túy, Sâm, Tĩnh, Quỹ, Liễu, Tinh, Trương, Dực, Chấn”.

Nhị thập bát tú

Các nước và châu vực ứng với các sao. (Ảnh của nhà nghiên cứu Lê Văn Quán)

Người Hoa Hạ ở phương bắc ứng với các sao “Đẩu, Ngưu, Nữ, Hư, Nguy, Thất, Bích”; Người Việt ở phương nam ứng với các sao “Tĩnh, Quỷ, Liễu, Tinh, Trương, Dực, Chẩn”.

năm 1827 vua Minh Mạng đã cho xây đài thiên văn gọi là “Quan tượng đài” để đo lại bóng mặt trời, và quan sát các vì sao trong nhị thập bát tú để duyệt lại cương vực lãnh thổ. Kết quả là Việt Nam hoàn toàn nằm trong phần của sao Dực, sao Chẩn và một phần của sao Quỷ.

Quan tượng đài được phục dựng năm 2012. Ảnh vov.vn

Quan tượng đài được phục dựng năm 2012. Ảnh vov.vn

Trong các sao ở phương nam thì sao Qủy là sáng nhất. Khi Kinh Dương Vương lên ngôi Vua lập ra nhà nước đầu tiên của các thị tộc người Việt nào năm 2.879 trước công nguyên, tên nước đầu tiên được chọn là “Xích Quỷ”. “Xích” mang ý nghĩa là đỏ ở phương nam, “Quỷ” chính là ngôi sao sáng nhất ở phía nam trong nhị thập bát tú. Người Việt xưa cũng dựa vào thiên văn để đặt ra quốc hiệu của riêng mình.

(Xem bài: Lãnh thổ nước Việt xưa kia lớn gấp 10 lần ngày nay)

Lời cuối của bài thơ Nam quốc sơn hà:

Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm

Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời

Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời không phải là một lời tuyên bố, mà là một điều hiển nhiên bởi một khi đi ngược lại với “thiên thư”, ngược với ý Trời thì không thể thành công được.

Trần Hưng

Theo trithucvn.net


2 ý kiến dành cho “Nội hàm sâu sắc của “Thiên thư” trong bài thơ “Nam quốc sơn hà””

  1. nguyenthanhhue 01/02/2018

    Kinh Dương Vương tức là Lộc Tục lên làm Vua phương Nam , nhiều sử sách ghi Vua Kinh Dương Vương lên làm vua vào khoảng năm 2879 TCN ,như bài của Tác giả Trần Hưng trên đây là không chính xác , tôi đã chứng minh rằng từ thời đại Kinh Dương Vương , họ Hồng Bàng và 18 đời Vua Hùng Vương đến nay chỉ trên dưới 2500 năm mà thôi, ứng với thời kỳ văn hóa Đông Sơn , tôi đã có trao đổi với Ông Dương Trung Quốc ở viện khoa học lịch sử VN , ông cũng đồng ý như vậy , bài viết ngắn của tôi đã có gởi đến Viện KHLS đã khá lâu , mới đây đã đăng trong Giai phẩm Quốc Học – Tình Yêu – Xuân 2018 phát hành tại Sài Gòn . Trân trọng .

    Reply
  2. hung 06/02/2018

    Vâng, cám ơn góp ý của bạn nguyenthanhhue, có dịp tôi sẽ tìm hiểu thêm về thời kỳ Kinh Dương Vương và các đời vua Hùng.

    Trần Hưng

    Reply

Ý kiến bạn đọc