Home » Cổ truyền, Tiêu biểu sideshow, Tiêu Điểm, Văn hóa » Những lời tiên tri báo trước về việc mưu sát vua Đinh Tiên Hoàng

Vua Đinh Tiên Hoàng ở ngôi 12 năm (từ đầu năm 968 đến cuối năm 979) thì bị sát hại, nguyên nhân cái chết được bàn cãi rất nhiều trong lịch sử, đây là một trong những nghi án lớn nhất trong sử Việt.

Thế nhưng trước đó đã có những lời tiên đoán rằng vua Đinh Tiên Hoàng chỉ ở ngôi 12 năm, cũng như nói trước về hung thủ ra tay trực tiếp sát hại Vua là Đỗ Thích.

Đinh Tiên Hoàng

Tượng Đinh Tiên Hoàng ở Hoa Lư. (Ảnh từ wikipedia.org)

Duyên kỳ ngộ giữa Đinh Bộ Lĩnh với Sư trụ trì chùa Giao Thủy

Chùa Giao Thủy chính là chùa Cổ Lễ, Nam Định ngày nay, nơi đây thuở còn trẻ Đinh Bộ Lĩnh đã gặp Sư trụ trì chùa Giao Thủy, và nhà Sư đã có lời tiên đoán trước.

Sách Đại Việt Sử ký Tiền biên có ghi chép rằng: “Khi vua còn hàn vi, thường đánh cá ở sông Giao Thủy, kéo lưới được viên ngọc khuê to nhưng va vào mũi thuyền, sứt mất một góc. Đêm ấy vào ngủ nhờ ở chùa Giao Thuỷ, giấu ngọc ở dưới đáy giỏ cá, đợi sáng ra chợ bán cá. Bấy giờ vua đang ngủ say, trong giỏ có ánh sáng lạ, nhà sư chùa ấy gọi dậy hỏi duyên cớ, vua nói thực và lấy ngọc khuê cho xem. Sư than rằng: “Anh ngày sau phú quý không thể nói hết, chỉ tiếc phúc không được dài.”

Về sự kiện này sách “Thiên Nam ngữ lục” có ghi chép rằng:

Mệnh trời đã định nẻo xưa,
Ngọc khuê dành để đợi chờ đế vương. 
Thường thường có khí hào quang,
Đêm đêm sáng dậy bên giang trùng trùng. 
Bộ Lĩnh hỏi chúng ngư ông, 
“Ấy gì mà sáng dưới sông đấy rầy?”
Chúng ngư bèn bảo rằng bây:
Sáng ở sông này đã mười hai năm.

Mệnh trời đã định nẻo xưa- Ngọc khuê dành để đợi chờ đế vương. Ảnh internet

Mệnh trời đã định nẻo xưa- Ngọc khuê dành để đợi chờ đế vương. Ảnh internet

“Việt sử Diễn âm” đời nhà Mạc viết

Được một báu vàng đem lên,
Đánh phải đầu thuyền khuyết một góc đi.

Ngọc Khuê có vết tích chỉ sự nghiệp của Đinh Tiên Hoàng không được trọn vẹn

Sáng ngày thầy hỏi trước sau,
Ngọc khuê nghĩ mới đem hầu thầy coi.
Nhìn đi nhìn lại một thôi,
Giờ lâu thầy mới mở lời nói ra.
“Con ta phúc đức thay là,
Ngày sau làm chúa quốc gia trị đời.
Nghĩ hiềm phúc hậu chẳng dài,
Vắn dài có số tượng trời đã chia.

Lời sấm đoán trước vụ mưu sát vua Đinh Tiên Hoàng

Vào năm 974 tức 5 năm trước khi xảy ra vụ án mưu sát Đinh Tiên Hoàng, trong dân gian đã xuất hiện lời sấm rằng:

Đỗ Thích thí Đinh Đinh, 
Lê gia xuất Thánh minh, 
Cạnh đầu đa hoành nhi, 
Đạo lộ tuyệt nhân hành, 
Thập nhị xưng đại vương,
Thập ác vô nhất liệt, 
Thập bát tử đăng tiên, 
Kế đô nhập nhị thiên.

Lời sấm này nói về việc Đỗ Thích mưu sát hai cha con Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn (Đỗ Thích thí Đinh Đinh); Đồng thời nói một người họ Lê sẽ xưng Đại Vương, sau này ứng với Lê Hoàn.

Đinh Tiên Hoàng

ượng đài Đinh Tiên Hoàng . (Ảnh từ wikipedia.org)

Tiên đoán của Đạo Sĩ về Dương Vân Nga

Sau khi Đinh Bộ Lĩnh bị sát hại, con trai là Đinh Toàn mới 6 tuổi còn nhỏ chưa thể lo được việc nước, vì thế Lê Hoàn làm nhiếp chính xưng là Phó Vương

Lúc này nhà Tống đã đập tan các cát cứ trong nước, thống nhất Trung Hoa, quân Tống ở phía bắc nhân cơ hội vua Đinh mới mất nên lăm le đem quân tiến đánh Đại Cồ Việt.

Trước tình thế cấp bách, cần có người thống nhất các lực lượng chuẩn bị chống giặc, thái hậu Dương Vân Nga khoác áo long bào cho Lê Hoàn để ông lên ngôi Vua. Lê Hoàn sau khi lên ngôi cũng lập Dương Vân Nga làm hoàng hậu, điều này khiến các sử gia nghi ngờ Lê Hoàn và Dương Vân Nga có thể tham gia vào việc mưu sát Đinh Tiên Hoàng.

Thế nhưng trong dân gian vẫn lưu truyền câu chuyện rằng, khi Dương Vân Nga mới sinh ra thường hay khóc dạ đề, có một Đạo Sĩ đi qua thấy đứa bé khóc mãi không thôi, liền đến xem và nói rằng:

“Nín đi thôi, nín đi thôi!

Một vai gánh vác cả đôi sơn hà”

Đạo sĩ nói xong thì đứa bé cũng nín khóc

Câu nói của vị đạo sĩ đã ứng nghiệm khi sau này Dương Vân Nga lấy cả hai vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Hoàn.

Trần Hưng

Theo trithucvn.net

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc