Home » Cổ truyền, Tiêu Điểm, Văn hóa » Không nhận được viện trợ từ chính quyền Pháp, điều gì giúp Nguyễn Phúc Ánh thắng được nhà Tây Sơn

Nhiều người vẫn nhận định rằng, Nguyễn Phúc Ánh sở dĩ thắng đượcTây Sơn là do được sự giúp đỡ của chính quyền Pháp, vậy thực thưc chuyện này như thế nào?

Nguyễn Phúc Ánh sinh ngày 15 tháng 1 năm Nhâm Ngọ 1762 (tức ngày 8/2/1762 dương lịch), là cháu nội chúa Nguyễn Phúc Khoát, con thứ ba của Nguyễn Phúc Luân và Nguyễn Thị Hoàn.

Vua Gia Long

Nguyễn Phúc Ánh. (Ảnh từ wikipedia.org)

Quyền thần Trương Phúc Loan khiến Đàng Trong suy yếu, chớp thời cơ Tây Sơn khởi nghĩa

Trước đó các chúa Nguyễn trải qua 8 đời đã có công mở mang lãnh thổ, khai phá về phương nam, khiến đàng trong cuộc sống rất phồn thịnh và ổn định. Tuy nhiên đến cuối đời chúa Nguyễn Phúc Khoát bị quyền thần Trương Phúc Loan tháo túng dẫn đến cảnh Giang Sơn tan nát, người dân ca thán gọi Trương Phúc Loan là Trương Tần Cối.

Nhân lúc tình hình Đàng Trong rối ren, năm 1771 ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ khởi nghĩa ở ấp Tây Sơn. Tổ tiên ba anh em Tây Sơn là họ Hồ ở Nghệ An, khi chúa Nguyễn khai khẩn về phương nam, cuộc sống Đàng Trong rất sung túc, họ Hồ vào Đàng Trong lập nghiệp đổi thành họ Nguyễn, cuộc sống nhờ đó khá giả. Đến đời ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ đều được học văn võ rất chu đáo với thầy nổi tiếng là Trương Văn Hiến.

Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn ban đầu lấy khẩu hiệu là diệt Trương Phúc Loan, phò hậu duệ chúa Nguyễn là Nguyễn Phúc Dương nên dễ dàng được nhiều người tham gia, bởi người dân lúc đó đều rất oán thán Trương Phúc Loan.

Năm 1777 quân Tây Sơn chiếm được Gia Định, Nguyễn Phúc Dương (người mà Tây Sơn có khẩu hiệu phò tá ban đầu), Nguyễn Phúc Thuần, cùng hoàng tộc anh em của Nguyễn Phúc Ánh đều bị giết cả. Riêng Nguyễn Phúc Ánh năm ấy mới 15 tuổi may mắn có đứa trẻ nhà kép hát che dấu nên mới thoát chết.

Sau đó Nguyễn Phúc Ánh chạy vào Hà Tiên nhờ Giám mục Bá Đa Lộc (Pigneau de Behaine) giúp đỡ ấn nấp trước sự truy tìm của quân Tây Sơn. Quân Tây Sơn nhiều lần tuy tìm, nhưng nhờ được sự giúp đỡ của người dân Nam bộ nên Nguyễn Phúc Ánh thoát được.

Tháng 1/1780 Nguyễn Phúc Ánh xưng Vương, các nhà sử học gọi ông là Nguyễn Vương.

Quân Tây Sơn. Ảnh từ internet

Quân Tây Sơn. Ảnh từ internet

Cầu viện nước Pháp và Hiệp ước Versailles

Nguyễn Vương có ý định nhờ sự giúp đỡ của người Pháp nhằm có được trang bị vũ khí hiện đại, nên nhờ Bá Đa Lộc làm sứ giả giúp mình đi Pháp một chuyến, mang theo quốc thư với 14 khoản cầu viện. Do việc đi lại thời đó còn khó khăn và rất lâu, vì thế Nguyễn Vương quyết định trao luôn Quốc Ấn cho Bá Đa Lộc để vị này có thể toàn quyền thay mặt mình thương nghị với Pháp.

Đồng thời Nguyễn Vương cũng cho con trai cả của mình là Nguyễn Phúc Cảnh đi theo để làm con tin nếu rường hợp phía Pháp yêu cầu.

Sau một năm chuẩn bị, vào tháng 12 năm 1784 Bá Đa Lộc cùng Nguyễn Phúc Cảnh mang theo Quốc Thư và Quốc Ấn xuống thuyền đi Malacca (thời ấy là thuộc địa của Hà Lan, nay trực thuộc Malaysia), rồi sang Pondichéry ở Ấn Độ, tại đây Bá Đa Lộc gặp phải một số vấn đề rắc rối, nên mãi đến tháng 2/1787 mới đến được hải cảng Lorient ở Pháp, và đến đầu tháng 5/1787 mới gặp được vua Louis 16.

Ngày 28/11/1787 tại cung điện Versailles Bá Đa Lộc với tư cách là đại diện của Nguyễn Vương đã ký với Thượng thư Bộ Ngoại giao Pháp là Armand Marc, một bản hiệp ước “Tương trợ tấn công và phòng thủ” (thường gọi là Hiệp ước Versailles)

Hiệp ước đã được ký kết này bao gồm 10 khoản với nội dung chính như sau:

Phia Pháp: Vua Pháp cam kết cung cấp cho Nguyễn Vương 4 tàu chiến frigate, 200 khẩu pháo, 1.200 bộ binh, 250 lính da đen, cùng một số phương tiện trang bị khác.

Phía Nguyễn Vương: Chấp thuận nhường cửa biển Đà Nẵng và quần đảo Côn Lôn (tức Côn Đảo ngày nay) cho Pháp; cho phép người Pháp được quyền tự do buôn bán và kiểm soát thương mại của người nước ngoài ở Việt Nam; cho phép người Pháp được quyền tự do buôn bán và kiểm soát thương mại của người nước ngoài ở Việt Nam; mỗi năm sẽ đóng trả cho Pháp một chiếc tàu giống với loại tàu Pháp viện trợ; cấp lương thực và quân nhu thiết yếu cho Pháp khi Pháp có chiến tranh với một nước khác ở khu vực Viễn Đông.

Hiệp ước Versailles

Phần chữ ký trên Hiệp ước Versailles năm 1787. (Ành từ wikipedia.org)

Các sử gia cho rằng do được toàn quyền thay mặt Nguyễn Vương và với Quốc Ấn trong tay, nên Bá Đa Lấy danh nghĩa Nguyễn Vương ký hiệp ước này chứ không phải là ý Nguyễn Vương. Với các điều khoản đặc biệt có lợi cho Pháp như thế, khi trao đổi văn kiện thì nhiều khả năng Nguyễn Vương sẽ không chấp nhận hiệp ước bất bình đẳng như thế, mà có thể sẽ có những thương lượng thay đổi các điều khoản.

Hiệp ước Versailles bị chìm vào quên lãng

Ngày 27/12/1787 Bá Đa Lộc rời Pháp trở lại Pondichéry (ở Ấn Độ) để đợi sự chi viện từ vua Louis. Thế nhưng sau đó nước Pháp biến động không ngừng, vào tháng 7/1789 tư sản Pháp lật đổ vua Louis, thiết lập nền cộng hòa tư sản.

Bá tước nhận trách nhiệm chi viện là De Conway có hiềm khích với Bá Đa Lộc nên không muốn chi viện cho Nguyễn Vương, đồng thời chính quyền mới không muốn nhắc đến hiệp ước cũ nữa, vì thế mà Hiệp ước Versailles đã không được thực hiện và bị quên lãng.

Điều gì giúp Nguyễn Phúc Ánh thắng được Tây Sơn

Không nhận được cầu viện từ chính quyền Pháp, theo “Quốc sử quán triều Nguyễn” thì Giám mục Bá Đa Lộc đành tìm gặp các thương gia có ý định buôn bán với Đại Việt, quyên góp tiền từ họ với hứa hẹn sau này sẽ giúp họ có cơ hội buôn bán với Đại Việt, cùng với số tiền 15.000 Francs của mình bỏ ra để mua súng đạn và tàu chiến.

Đồng thời Bá Đa Lộc cũng chiêu mộ khoảng 20 người Pháp giỏi về kỹ thuật vũ khí, kỹ nghệ, xây dựng để giúp Nguyễn Vương. Những việc này đều thực hiện độc lập hoàn toàn không liên quan gì đến chính phủ Pháp.

Tháng 6/1789 Bá Đa Lộc cùng Nguyễn Phúc Cảnh về đến Gia Định, sau đó các tàu buôn chở súng đạn cũng về theo sau.

Bá Đa Lộc

Bá Đa Lộc. (Ảnh từ wikipedia.org)

20 người Pháp được chiêu mộ giúp Nguyễn Vương tiếp cận kỹ nghệ; huấn luyện đội pháo thủ; huấn luyện binh sỹ tiếp cận sử dụng các loại súng từ phương tây; sửa chữa và xây dựng các thành Gia Định, Vĩnh Long, Châu Đốc, Hà Tiên, Biên Hòa, Bà Rịa.

Nguyễn Vương cho xây dựng “chế tạo cục” đây là nhà máy nhằm đúc súng hỏa mai, đại bác đủ các kích cỡ khác nhau.

Để phát triển thủy binh, Nguyễn Phúc Ánh đã mua lại một chiến hạm cũ của châu Âu rồi gỡ ra để tìm hiểu cách đóng rồi sao chép lại. Nhờ đó quân Nguyễn đóng được những chiến hạm nổi tiếng là Long Ngư, Long Thượng, Long Hưng, Long Phi, Bằng Phi, Phụng Phi, Hồng Nhi, Loan Nhi, Ưng Nhi. Trong đó nổi tiếng là Phụng Phi có 26 đại bác, Long Phi có 32 đại bác, Bằng Phi có 26 đại bác

Đặc biệt là việc xây dựng thành Gia Định được  hai sĩ quan Theodore Lebrun và de Puymanel giúp thiết kế với tổng nhân công xây dựng ước chừng 30.000 người, thành bắt đầu được xây dựng từ năm 1789 theo kiến trúc Vauban.

Dù là sử dụng kiến trúc phương tây, nhưng lại rất gần với văn hóa phương đông, thành có 8 cạnh thành bát quái, nên thành còn có tên là thành bát quái.

Thành có 8 cửa, phía nam là cửa Càn Nguyên và cửa Li Minh, phía bắc là cửa Khôn Hậu và cửa Khảm Hiền, phía đông là cửa Chấn Hanh và cửa Cấm Chí, phía tây là cửa Tốn Thuận và cửa Đoài Duyệt

Năm 1790 thành được xây xong có chu vi khoảng 4.176 mét với ba mặt được sông che chở.

Sơ đồ thành Gia Định

Sơ đồ thành Gia Định, còn gọi là thành Bát Quái, d Trương Vĩnh Ký vẽ, Nguyễn Đình Đầu lược dịch và chú giải. (Ảnh từ wikipedia.org)

 

thành bát quái

Bản đồ Sài Gòn năm 1790 do người Pháp vẽ, ở chính giữa là thành Bát Quái. (Ảnh từ vnexpress.net)

Thành Gia Định được xây xong khiến tuyến phòng thủ Nam bộ trở nên vô cùng chắc chắn, quân Tây Sơn không sao đánh vào thành được, thành có thể chịu được cả đạn pháo hiện đại nhất vào thời bấy giờ.

Tiếc rằng sau này thành Gia Định bị vua Minh Mạng cho phá hủy, các nhà nghiên cứu cho rằng nếu còn thành này thì Gia Định khó mà thất thủ trước quân Pháp vào năm 1859.

Nhà nghiên cứu Maybon, trong cuốn sách “La Relation Bissachère và Histoire moderne du pays d’Annam” đánh giá những người Pháp được Bá Đa Lộc chiêu mộ như sau: “Vai trò của nhóm người can đảm đếm trên đầu ngón tay này, trong sự thiếu vắng thông tin mong đợi, không thể xác định được một cách chi tiết. Nhưng không thể chối cãi được rằng họ đã góp phần lớn lao vào chiến thắng của Nguyễn Ánh. Ấy là chưa kể đến phần của họ trong những trận đánh quan trọng như trận tiêu diệt hạm đội của Tây Sơn năm 1792 và những trận dẫn đến chiến thắng Huế năm 1801. Người ta không khỏi khâm phục công trình tạo mà họ đã thực hiện trong những điều kiện không mấy thuận lợi: họ đã xây dựng một nền hải quân theo lối Tây phương và thành lập đội ngũ thủy binh; họ đã huấn luyện quân đội, họ đã đưa kỷ luật vào quân đội, thành lập những cấp chỉ huy; họ đã đúc đại bác, dạy cho người An Nam cách dùng trái phá, họ đã tạo ra đội ngũ pháo binh lưu động mà sự di chuyển đã khiến quân Tây Sơn khiếp viá; họ đã xây dựng những thành đài”.

Jean-Marie Dayot (trái) và em trai Félix Dayot (phải). Đây là hai trong số những người Pháp tình nguyện giúp NguyễnVương từ đầu theo lời kêu gọi của Bá Đa Lộc. (Ảnh từ wikipedia.org)

Jean-Marie Dayot (trái) và em trai Félix Dayot (phải). Đây là hai trong số những người Pháp tình nguyện giúp NguyễnVương từ đầu theo lời kêu gọi của Bá Đa Lộc. (Ảnh từ wikipedia.org)

Sử gia Trần Trọng Kim nhận xét rằng: “Từ đó, thế lực của Nguyễn Vương mỗi ngày một mạnh, tướng tá mỗi ngày một đông, lương thực nhiều, quân sĩ giỏi, việc đánh phá Tây Sơn đã chắc lắm rồi.”

Các thành khác cũng được sửa chữa và xây dựng chắc chắn. Việc xây dựng thành trì vững chắc khiến quân Tây Sơn không thể đánh vào, giúp Nam bộ ổn định nhằm phát triển kinh tế và nông nghiệp. Nguyễn Vương đặt ra các chính sách phát triển nông nghiệp, phát triển giáo dục, cho mở khoa thi, nhiều nhân sĩ đi theo phò giúp, trong đó nổi bật là nhà nho Võ Trường Toàn cùng các học trò của ông, các quan lại nổi tiếng có  Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Tòng Châu, Hoàng Minh Khánh

Những chính sách phát triển kinh tế, nông nghiệp hợp lý khiến Nam bộ luôn được bội thu, đời sống người dân trở nên ổn định và sung túc. Lương thực dồi dào giúp Quân Nguyễn dư dả lương thực trong các cuộc chiến với nhà Tây Sơn.

Nguyễn Vương cũng rất quan tâm việc sản xuất mía đường vì dùng để trao đổi mua bán vũ khí với phương tây. Ông cấp vốn cho người dân sản xuất rồi mua lại với giá thị trường, khiến sản lượng đường tăng cao, dùng trao đổi với phương tây để sắm vũ khí.

Nhờ đó Nam bộ trở thành vùng đất giàu mạnh, về quân sự cũng được trang bị những vũ khí hiện đại, đó là cơ sở giúp quân Nguyễn đánh bại được Tây Sơn vốn đã đánh mất lòng dân, thống nhất được đất nước.

 Trần Hưng

Theo trithucvn.net

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc