Home » Thế giới, Tiêu Điểm » Thiên An Môn 1989: (Phần 5) từ Thiên An Môn lan đến Đông Âu 1990

Thảm sát Thiên An Môn có bao nhiêu người chết? ĐCS Trung Quốc cho rằng không có ai bị thiệt mạng, các tổ chức khác nhau đều đưa ra con số khác nhau, nhưng qua thời gian con số người thiệt mạng cũng dần được chính xác hơn.

Đến nay vẫn ít có người biết rằng Thiên An Môn 1989 lại chính là tiền đề dẫn đến sự sụp đổ của ĐCS khối Đông Âu năm 1990.

Một vị bác sĩ trên 50 tuổi của Bệnh viện Đại học Bắc Kinh cho biết, sau khi binh lính nổ súng, những người bị thương trên quảng trường Thiên An Môn đều chủ yếu được đưa đến Bệnh viện Đại học Bắc Kinh và Bệnh viện Hiệp Hòa. Nhiều lúc, xe cứu thương chở lẫn cả người bị thương và người chết. Sau đó, khi số xác người gặp nạn ở Bệnh viện Hiệp Hòa “đến hơn một trăm” thì họ quyết định sẽ không chuyển thi thể những người đã chết lên xe nữa…

Thảm án xe tăng nghiền nát người ở Lục Bộ Khẩu

Chung La Bạch tỉnh lại sau khi bị ngộ độc khí gas, mơ hồ nghe thấy tiếng khóc từ phía đối diện Lục Bộ Khẩu. Khi Chung La Bạch đi đến Lục Bộ Khẩu đã bị kinh sợ bởi thảm cảnh trước mặt: “Chỉ thấy bên trên đống xe đạp đổ nát có chu vi chừng 7m ở ngã ba đường là một mảng lớn lẫn lộn xác thịt và máu. Tất cả thi thể chồng lẫn lên nhau thành một mảng lớn hình tròn, ước chừng có khoảng hơn chục xác chết, bên trên còn có dấu vết của bánh xích xe tăng. Đầu của một thanh niên trẻ bị xe tăng chèn lên làm bắn ra một mảng óc trắng cách xa mấy mét. Một nam học sinh khác đeo kính, nằm ngửa mặt lên trời, ghi đông xe đạp đâm từ sau lưng xuyên thủng qua bụng anh ấy. Còn có một nữ học sinh bị xe chèn đến mức chỉ có thể lờ mờ nhận ra chiếc váy màu xanh… Ở bên cạnh các thi thể là những chiếc huy hiệu trường màu đỏ, phần lớn đều bị máu tươi nhuộm thành màu đỏ thẫm.” “Tôi chưa từng thấy cảnh tượng nào tàn ác như vậy (cho dù là ở trong phim ảnh).”

“Từ dưới chân của tôi, phát ra những tiếng rên rỉ! Có người còn sống sót, tôi vội vã đỡ lấy người đang rên rỉ ấy từ trong vũng máu, một nam học sinh ở bên cạnh chạy vội ra kéo chiếc xe ba gác lại. Khi tôi ôm anh ấy máu chảy đầm đìa cả người. Lúc tôi nhẹ nhàng kéo anh ấy ra, anh ấy nói một cách yếu ớt: ‘Bạn học…, chân của tôi…, chân của tôi.’ Tôi cẩn thận cúi xuống nhìn, nào còn chân nữa đâu, toàn bộ bắp chân đều bị nghiền đứt, máu đang phun xối xả. Khi tôi ôm anh ấy kéo lên xe ba gác thì Diệp Phó đến. Anh ấy dùng tất cả phần còn lại của cuộn phim, chụp lại cảnh tượng này ở các góc độ khác nhau.”

Hiện trường thảm án ở Lục Bộ Khẩu

Hiện trường thảm án ở Lục Bộ Khẩu

“Chúng tôi kéo xe ba gác chở người bạn học đang hấp hối về bệnh viện Phục Hưng, Quay đầu nhìn sang, một cảnh tượng mà tôi suốt đời không quên, trong túi của một người bạn học đã chết rơi ra một chiếc túi nhựa, bên trong còn sót lại một chút vụn bánh mỳ. Có lẽ, đó là bữa tối cuối cùng của sinh mệnh trẻ tuổi này.”

“Hai người phụ nữ lớn tuổi quỳ bên xác chết, hai tay vừa đập xuống đất vừa gào khóc: ‘Các học sinh của tôi đâu rồi!’ Đây là những tiếng khóc bi ai nhất mà tôi từng nghe thấy.” “Lúc này, chiếc loa công suất lớn ở bên đường phát thông báo của chính quyền ĐCSTQ: ‘Bắc Kinh xảy ra bạo loạn phản cách mạng…’ Nhóm người gây bạo loạn đã phá hủy lệnh giới nghiêm, giết hại chiến sĩ quân giải phóng…” “Trên con đường rộng lớn ấy, trong buổi sáng sớm ấy, tôi đang nâng người học sinh đã chết đó mà chảy không ra nước mắt.”

Thiên An Môn 1989

Hiện trường thảm án ở Lục Bộ Khẩu, người chết trên những chiếc xe đạp bị nghiến bẹp, cách Thiên An Môn không xa, rõ ràng là bị xe quân đội cán lên. Ảnh: GEO Epoche

 

Vũ Nguyên cũng chứng kiến một cảnh tượng như vậy: “Còn có hai học sinh bị chèn ép cùng với xe đạp, chúng tôi phải mất nhiều sức lực mới có thể tách được thi thể của một người ra khỏi xe đạp. Người bị chèn còn lại bị bàn đạp xe đâm vào lồng ngực, chúng tôi không thể tách thi thể ra khỏi xe đạp được, đành phải khiêng cả thi thể lẫn xe đạp ra ngoài.”

“Tôi còn nhớ rõ lúc chúng tôi khiêng thi thể cuối cùng thì từ phía tây của Trường An một nhóm xe tăng lại đi tới. Lúc ấy, tôi đang cầm tấm ván gỗ ngồi hướng mặt về phía đông chuẩn bị khiêng thi thể, hoàn toàn không để ý những việc xảy ra ở đằng sau. Đột nhiên rất nhiều người dân và học sinh đều gào thét kêu tôi đứng dậy. Tôi nhìn lại, một chiếc xe tăng đã ở sát cạnh tôi, sắp chèn lên tôi rồi. Theo phản xạ có điều kiện, tôi quăng tấm ván gỗ rồi nhảy lên vỉa hè. Trong nháy mắt, chiếc xe tăng này đã chạy qua, dừng lại ở phía trước. Thoáng nhìn lại tấm gỗ ban nãy, một góc của tấm gỗ dày 10 cm đã bị nghiền nát giống như nha phiến. Tôi bị tình cảnh ấy làm cho sợ đến toàn thân lạnh toát mồ hôi.”

Lúc ấy, Ôn Tử Kiến, phóng viên của tờ “Nhân Dân Nhật báo” đi qua Lục Bộ Khẩu nhìn thấy khoảng 5-6 thi thể bị xe tăng nghiền chết xếp thành một hàng. Chiếc xe tăng đỗ ở bên cạnh, anh ấy vòng lên đến chỗ họng súng tối đen của xe tăng mà cảm thấy vài chục bước đường ấy giống như đi qua một thế kỷ. Anh ấy chụp được phiên hiệu của chiếc xe tăng này, những thi thể ấy cùng với chiếc xe tăng và họng súng tối om đó. Trong huyết án xe tăng nghiền chết người ở Lục Bộ Khẩu có 5 người chết, 7 người bị thương, đại đa số đều là những học sinh rút lui khỏi quảng trường Thiên An Môn vào rạng sáng ngày 4/6.

5 sinh viên bị tử nạn bao gồm:

  1. Lâm Nhân Phú, nam, 30 tuổi, tốt nghiệp khóa 89 nghiên cứu sinh tiến sĩ, trường Đại học Khoa học Kỹ thuật Bắc Kinh.
  2. Điền Đạo Dân, nam, 22 tuổi, sinh viên khóa 85, Khoa Quản lý, trường Đại học Khoa học Kỹ thuật Bắc Kinh.
  3. Đổng Hiểu Quân, nam, 19 tuổi, sinh viên khóa 88, Khoa Công tác Thanh niên, Học viện Chính trị Thanh niên Trung Quốc.
  4. Vương Bồi Văn, nam, 21 tuổi, sinh viên khóa 88, Khoa Công tác Thanh niên, Học viện Chính trị Thanh niên Trung Quốc.
  5. Cung Kỷ Phương, nữ, 19 tuổi, sinh viên khóa 88, Chuyên ngành Quản lý xí nghiệp, Học viện Thương mại Bắc Kinh.

7 người bị xe tăng chèn bị thương:

  1. Vương Khoan Bảo, 29 tuổi, nghiên cứu sinh thạc sĩ, Đại học Khoa học Kỹ thuật Bắc Kinh.
  2. Tô Văn Khôi, 22 tuổi, sinh viên Học viện Chính trị Thanh niên Trung Quốc.
  3. Triệu Quốc Khánh, hơn 20 tuổi, sinh viên Học viện Chính trị Thanh niên Trung Quốc.
  4. Tiễn Dịch Tân, sinh viên Học viện Chính trị Thanh niên Trung Quốc.
  5. Đan Liên Quân, sinh viên Học viện Chính trị Thanh niên Trung Quốc.
  6. Phương Chính, 23 tuổi, sinh viên khóa 85, khoa Lý luận, Học viện Thể thao Bắc Kinh.
  7. Lưu Hoa, 20 tuổi, là nhân viên của một công ty tư nhân ở Bắc Kinh.

Tằng Trứ Văn, môt sinh viên Học viện Chính trị Trung Quốc kể lại: “Khoảng 7 giờ sáng, sau khi nhóm chúng tôi di chuyển từ đường Tân Hoa Bắc sang phía tây đường Trường An, đột nhiên có một người hô lên: ‘Xe tăng đến kìa! Xe tăng đến kìa!’ Tôi quay đầu lại nhìn xem, thì thấy ba chiếc xe tăng hạng nặng đi cạnh nhau, từ phía sau nhóm sinh viên chạy thẳng nhanh về phía trước. Sau đó nghe thấy một loạt âm thanh ‘bang bang’ vang lên… mọi người đều cảm thấy khó thở, nguyên do là xe tăng đã bắn khí gas độc về phía học sinh sinh viên.” “Sinh viên đã nhanh chóng di chuyển sang hai bên đường, chuẩn bị nhường đường cho xe tăng đi qua. Nhưng làn đường xe đạp và vỉa hè bị ngăn cách bởi một hàng rào sắt cao chừng 1 mét, hàng rào này lại có phần đầu sắc nhọn, không làm cách nào vượt qua được. Do vậy nhóm sinh viên chỉ đứng gần hàng rào sắt, chứ không đi lên vỉa hè được. Thế nhưng đúng lúc mà nhóm sinh viên tập trung thành một đoàn người đứng ở bên cạnh hàng rào sắt, thì một chiếc xe tăng đã trực tiếp tiến đến phía hàng rào và đâm thẳng vào đám đông, và những âm thanh la hét hoảng sợ thất thanh vang lên…”

“Trong khoảnh khắc, tôi đã bị một lực vô cùng mạnh kéo đi, khi xe cán qua có cảm giác như có cái gì đó chạy qua đầu não, rồi sau đó ngất đi. Vạn phần tôi không thể nghĩ rằng, sau khi bị xe tăng cán qua, tỉnh lại phát hiện thấy bản thân mình vẫn còn sống. Tôi nhìn xung quanh, những người bị thương hoặc chết nằm la liệt một vùng, thảm cảnh đúng là khó mà chịu đựng nổi. Hàng rào sắt đã bị xe tăng húc đổ, do đó tôi cố gắng đi qua hàng rào đổ đó ra ngoài, sau cùng thì được người dân đưa đến Bệnh viện Tích Thủy Đàm cấp cứu…”

Thiên An Môn 1989 có bao nhiêu người tử vong?

Nhiều năm sau, số học sinh sinh viên và người dân chết trong cuộc trấn áp “Lục Tứ” vẫn bị che giấu, nên thực sự rất khó thống kê con số chính xác.

1. Sự dối trá và che đậy của ĐCSTQ

Sau sự kiện Lục Tứ, tháng 6/1989, Trương Công và phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Viên Mộc đã đồng tổ chức một cuộc họp báo cho giới phóng viên. Tại đây, Viên Mộc đã dõng dạc yêu cầu cho những phóng viên tham gia “không được phép ghi âm, không được phép tự viết, mà phải sử dụng bài viết của Tân Hoa xã”.

Trương Công thay mặt cho phía binh lính giới nghiêm, cũng đại diện cho chính phủ Trung Quốc, cho biết: “Trước hết, tôi muốn nói rõ một vấn đề với các đồng chí phụ trách tin tức báo chí, cũng muốn thông qua mọi người đưa tin đến cho người dân thủ đô và người dân toàn quốc biết được rằng, từ 4:30 đến 5:30 sáng ngày 4/6, trong quá trình chấp hành nhiệm vụ thanh trừng, binh lính giới nghiêm tuyệt đối không giết chết một sinh viên hay người dân nào, cũng không gây thương tích cho bất kỳ ai…”

Hiển nhiên, những lời này hoàn toàn là dối trá, về cả thời gian và không gian: Trước tiên đưa quân đội vào triển khai quá trình trừ khử, đến 1:30 thì tiến vào quảng trường, gồm bao vây quảng trường, đàn áp, phản kích dữ dội (ước tính quá trình này kéo dài khoảng 3 giờ đồng hồ); tiến hành “thanh trừng” ở một số phạm vi nhất định như khu Bảo tàng Lịch sử phía tây, Đại lễ đường Nhân dân phía đông, đại lộ Trường An thẳng về Thiên An Môn phía nam, và khu vực bên trong Nhà tưởng niệm Mao Trạch Đông phía bắc. Sau đó, từ những khu vực hạn định này, trong một giờ đồng hồ (từ 4:30 đến 5:30 sáng) “tuyệt đối không làm tử thương bất cứ một người nào”.

Hơn nữa, phát ngôn viên của chính phủ hoàn toàn phủ nhận thảm kịch xe tăng cán người tại Lục Bộ Khẩu sáng ngày 4/6, thản nhiên hoa ngôn xảo ngữ, giơ tay lên trời phát thệ đảm bảo rằng “tuyệt đối không có chuyện xe tăng bọc thép cán người”.

2. Số lượng thống kê nạn nhân thương vong từ các bệnh viện

Theo thống kê từ một số bệnh viện, thì số lượng người bị thương vong đại thể như sau:

Tên bệnh viện Số người tử vong thuật lại Nguồn tin
Bệnh viện Phục Hưng 62~48 Vương Khánh Nguyên, Đỗ Đạo Chính, Tổ chức Ân xá Quốc tế
Bệnh viện Bưu Điện 30~20 Trần Nhất Tư
Bệnh viện Đường sắt 85 Tổ chức Ân xá Quốc tế
Bệnh viện 301 10 Đỗ Đạo Chính
Bệnh viện Hiệp Hòa 30 Trần Nhất Tư
Bệnh viện Đại học Bắc Kinh 30 Trần Nhất Tư
Bệnh viện Nhi 55 Tổ chức Ân xá Quốc tế

Văn Hối báo (Hồng Kông) từng đăng một thống kê của Hội chữ thập đỏ Quốc tế, vào lúc 2 giờ sáng ngày 4/6, phải có đến 2.000 sinh viên và người dân bị bắn đến chết, đồng thời, một sinh viên đại học khác cũng thu thập số liệu từ 6 bệnh viện lớn cho thấy, số người tử vong vượt quá con số 1.000.

Theo “Hồ sơ Lục Tứ”, ngày 4/6, Hội chữ thập đỏ Trung Quốc công bố số nạn nhân bị thương lên đến 30.000 người, và có khoảng 2.700 người tử vong. Còn người phát ngôn của Bệnh viện Bắc Kinh thì xác nhận có khoảng 2.600 người tử vong, trong đó khoảng 1.000 người là sinh viên đại học.

Cũng theo hồ sơ vụ việc này, ngày 7/6, Hội sinh viên Đại học Thanh Hoa công bố thông tin, có khoảng 4.000 người tử vong, còn số người bị thương lên đến 30.000 người.

Theo một nguồn tin tiết lộ từ “Liên Hợp báo” (Đài Loan), ngày 9/6, hãng tin AFP của Pháp cũng ước tính số người tử nạn lên đến khoảng 7.000 người.

“Hồ sơ Lục Tứ” còn viết, Tổng Thư ký của Tổng thống Mỹ ngày 9/6 công bố, có khoảng 4.000 người tử vong trong cuộc thảm sát này.

Tờ “Tranh Minh” (Hồng Kông) ra ngày 30/6 đưa tin, số lượng sinh viên và dân chúng tử vong là 11.440 người, số người bị thương là 28.790 người. Từ lúc 1 giờ đến 7 giờ sáng ngày 4/6, tại quảng trường Thiên An Môn, chỉ riêng phía cửa chính và phía đông-tây đại lộ Trường An, đã có tới 8.720 người chết. Về phía cảnh sát, có khoảng hơn 10 người chết và 6.000 người bị thương.

Những năm gần đây, có tư liệu tự xưng là “Chiến sự trong Nhà Trắng” cho biết: “Ngày 16/6/1989, Lãnh sự quán Mỹ tại Hồng Kông đã nhận được một tài liệu nội bộ của phía quan chức ĐCSTQ dẫn lời một binh lính giới nghiêm Trung Quốc, đề cập đến tình tiết sự kiện từ ngày 3-4/6, tại Thiên An Môn và đại lộ Trường An, có 8.726 người tử vong. Còn từ ngày 3-9/6, trong thành Bắc Kinh bên ngoài phạm vi Thiên An Môn, có khoảng 1.728 người thiệt mạng. Nói cách khác, tổng số nạn nhân tử vong là 10.454 người. Về số lượng người bị thương, con số lên đến 28.796 người.”

Còn có báo ở nước ngoài thống kê số người tử vong trong sự kiện Lục Tứ cao nhất lên đến 13.362 người.

Tác giả Trương Lương của “Sự thật về Lục Tứ tại Trung Quốc” viết: “Theo điều tra của Cục Công an thành phố Bắc Kinh, trong số những người tử vong có giáo sư đại học, các kỹ sư về khoa học kỹ thuật, cán bộ các ban ngành, công nhân, lao động tự do, còn có công chức nghỉ hưu, học sinh trung học, thậm chí là học sinh tiểu học, nạn nhân nhỏ nhất mới có 9 tuổi. Từ bối cảnh phân bố nghề nghiệp và tuổi tác cho thấy, tuyệt đại đa số họ đều là người vô tội.”

Hồng Ngọc

Theo trithucvn.net

Thông tin mới nhất tiết lộ số người chết

Trang tin “Next Magazine” ở Hồng Kông đầu năm 2016 đăng tin tiết  lộ hồ sơ mật của Nhà Trắng, theo đó tình báo Washington từng thu thập được tài liệu của nội bộ Trung Nam Hải đánh giá về số thương vong trong sự kiện thảm sát Thiên An Môn lên đến 40 nghìn người, trong đó có 10.454 người bị giết. Trong cuộc thảm sát này, Quân đoàn 27 là thủ phạm chính. Sau vụ thảm sát, ông Giang Trạch Dân được ông Đặng Tiểu Bình tín nhiệm và cho thay thế ông Triệu Tử Dương.

(Xem bài: Tin tình báo tiết lộ hung thủ và số lượng nạn nhân trong vụ thảm sát Thiên An Môn 1989)

Từ Thiên An Môn 1989 đến Đông Âu 1990

Sau cuộc thảm sát Thiên An Môn 1989, đoàn đại biểu ĐCS Đông Đức đến thăm Bắc Kinh, sau khi nghe kể chuyện ĐCS Trung Quốc đã sử dụng bạo lực kiên quyết dập tắt phong trào được cho là “phản cách mạng” này, các đại biểu Đông Đức hết sức tán thưởng, và xem đó là tấm gương để học hỏi về để áp dụng ở Đông Đức, vì dân chúng nơi đâycũng đang muốn vượt bức tường Berlin sang Tây Đức.

Sau khi Đoàn đại biểu này trở về Đông Đức cũng tán thưởng và kể lại kinh nghiệm đàn áp của ĐCS Trung Quốc, đặc biệt nhấn mạnh đến việc dùng xe tăng đàn áp sinh viên của ĐCS Trung Quốc.

Tin này truyền đến tai dân chúng khiến sự bất mãn của người dân gia tăng, càng thất vọng hơn khi việc học hỏi của các Đàng viên các nước với nhau chỉ là kinh nghiệm đàn áp dân chúng, khiến gia tăng con số người chạy trốn sang Tây Đức qua bức tường Berlin, trong năm 1989 đã có 34 vạn người chạy trốn.

Đồng thời các thành phố lớn tại Đông Đức, bao gồm Leipzig, Dresden, Potsdam, Magdeburg, Jena, v.v. bùng phát những cuộc biểu tình thị uy với quy mô khác nhau.

Ngày 4/11/1989 phía Đông Berlin đã diễn ra cuộc biểu tình của 50 vạn người, hưởng ứng theo ngày 6/11/1989 50 vạn người dân thành phố Leipzig cũng biểu tình.

Ngay sau đó bức tường Berlin bị đạp đổ, chính quyền ĐCS Đông Dức sau đó cũng sụp đổ theo, Đông Đức được sáp nhập vào Tây Đức.

Noi gương Đông Đức, người dân Đông Âu cũng nổi lên, giải thể chính quyền của ĐCS, người dân tự lập ra chính phủ cho riêng mình.

Cuối cùng là sự sụp đổ của ĐCS Liên Xô. Thế là Đông Âu được xem là “thành trì vững chắc” của CNXH hoàn toàn bị  sụp đổ, mà khởi nguồn cho sự sụp đổ đó là Thiên An Môn 1989.

Hết

Ánh Sáng

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc