Home » Cổ truyền, Tiêu biểu sideshow, Văn hóa » Ngọn thần phong Kamikaze của Nhật Bản hai lần nhấn chìm quân Nguyên

Vó ngựa của quân Mông Thát tung hoành khắp nơi, gây kinh hoàng khắp thế giới, phía bắc đến tận dảiBai Can, phía nam đến sông Hoàng Hà tức chiếm cả nước Trung Quốc (lúc đó là nhà Kim và nhà Tống) , phía đông đến sông Tùng Hoa, Tây đến Lý Hải (biển Casienne), nghĩa là bao gồm phần đất liền mênh mông Nam Sibere, Trung Quốc, Trung Á và một phần ngoại Cáp-ca-dơ (Caucase).

Thế nhưng khi quân Mông Thát 2 lần tiến đánh Nhật Bản, Ngọn thần phong đã cứu Nhật Bản khi lần lượt nhấn chìm hạm đội quân Nguyên.

quân Nguyên

Trong suốt thế kỷ 13, người Mông Cổ, dưới sự chỉ huy của Hốt Tất Liệt Đại hãn, cháu nội của Thành Cát Tư Hãn, đã hai lần cố gắng tiến hành những cuộc chiến tranh xâm lược Nhật Bản vào các năm 1274 và 1281. Tuy nhiên, trong cả hai lần xuất binh đó, những cơn cuồng phong lớn nổi lên ở biển Nhật Bản đều đã nhấn chìm hạm đội của quân Mông Cổ.

Kẻ xâm lược đã phải từ bỏ tham vọng. Nhật Bản thoát khỏi gót sắt xâm lăng của một trong những đội quân tinh nhuệ nhất thế giới lúc bấy giờ. Người Nhật tin rằng các vị thần đã mang những cơn cuồng phong này tới để bảo vệ họ trước kẻ thù. Họ gọi chúng là Kamikaze, tức là “Thần phong” (ngọn gió thần).

Sau những cuộc chinh phạt Đại Kim (năm 1230) và Triều Tiên (1231), người Mông Cổ đã chiếm được một nửa giang sơn phía bắc Trung Quốc. Năm 1271, Hốt Tất Liệt xưng đế, đổi quốc hiệu là Nguyên (với nghĩa khởi đầu, nguyên thủy). Nhật Bản chỉ cách Đại Nguyên chừng 160km, tất nhiên, có lý do để lo ngại về một cuộc xâm lăng.

Giữa các năm 1267 và 1274, Hốt Tất Liệt nhiều lần cử sứ giả tới yêu cầu Thiên hoàng Nhật Bản chịu xưng thần với nhà Nguyên hoặc phải đối mặt với một cuộc chiến tranh. Tuy nhiên, những sứ điệp của nhà Nguyên đều không thể đến với Thiên hoàng mà bị giữ lại trong tay các Đại Tướng quân (Mạc chúa), những người đứng đằng sau nắm quyền thực sự.

Không nhận được hồi đáp từ Thiên hoàng Nhật Bản, Hốt Tất Liệt nổi giận. Ông lập lời thề trừng phạt Nhật Bản, một “tiểu quốc” ương ngạnh. Quân đội Mông Cổ được lệnh cho chế tạo nhiều chiến thuyền, xây dựng hạm đội và tuyển mộ hàng ngàn thủy binh trên khắp Trung Quốc và Triều Tiên để chuẩn bị cho cuộc chinh phạt.

quân Nguyên

Quân Mông Cổ bị các võ sĩ đạo truy kích trên bãi biển. Ảnh dẫn qua Ancient Origins.

Cuộc chinh phạt lần thứ nhất (1274)

Mùa thu năm 1274, quân đội Mông Cổ tiến hành cuộc xâm lược đầu tiên vào Nhật Bản. Lịch sử thường gọi đó là “Trận hải chiến Bun’ei” (hay trận hải chiến vịnh Hakata). Quân Mông Cổ huy động khoảng 500 đến 900 chiến thuyền với hơn 40 nghìn thủy quân hầu hết là người Trung Quốc và Triều Tiên tiến đến sát bờ vịnh Hakata.

Ban đầu, với ưu thế về vũ khí, quân đội Mông Cổ đã đánh bại các lực lượng phòng vệ bờ biển của Nhật Bản. Quân Nhật buộc phải rút lui sâu vào bên trong và cố thủ. Nhưng quân Mông Cổ không ham truy kích sâu vì lo sợ người Nhật sẽ tổ chức phản công khi nhận được viện binh tiếp tế. Binh lính được lệnh trở lại thuyền chiến, án binh bất động chờ đợi tình hình.

quân Nguyên

Sức mạnh quân Mông Cổ. Ảnh: Business Insider.

Đêm hôm đó, một cơn bão lớn đổ bộ vào bờ đã đánh tan hạm đội của người Mông Cổ neo đậu tại bờ vịnh Hakata. Sáng hôm sau, cả hạm đội tinh nhuệ chỉ còn lại vài chiến thuyền. Những chiến thuyền xấu số khác đã bị cơn bão nhấn chìm xuống lòng biển mang theo mạng sống của hàng ngàn chiến binh Mông Cổ.

Cuộc chinh phạt lần thứ hai (1281)

Sau khi may mắn đẩy lui được quân Mông Cổ trong trận hải chiến năm 1274, người Nhật vẫn chưa thể thoát khỏi họa xâm lăng. Thất bại nặng nề đã chạm vào lòng tự ái của các chiến binh Mông Cổ và càng khiến dã tâm chinh phạt Nhật Bản của họ lớn hơn.

Người Mông Cổ gấp rút xây dựng lại hạm đội và rầm rộ tuyển mộ một số lượng thủy binh lớn hơn nữa. Trong khi đó, Nhật Bản cũng củng cố hệ thống phòng tuyến của mình bằng cách xây dựng những bức tường cao tới 2m.

quân Nguyên

Minh họa cuộc tấn công của quân Mông Cổ vào nước Nhật. Ảnh: Internet.

Bảy năm sau, năm 1281, quân Mông Cổ trở lại với một hạm đội thủy quân khổng lồ bao gồm 4400 chiến thuyền và khoảng 70 đến 140 nghìn thủy quân. Quân Mông Cổ chia hai đường tiến đánh Nhật Bản: một đường từ Triều Tiên, một đường từ phía nam Trung Quốc. Tháng 8/1281, hai đạo thủy binh này hội quân ở vịnh Hakata.

Không thể tìm thấy chỗ đổ bộ thích hợp vì hệ thống tường lũy của đối phương, hạm đội Mông Cổ phải lênh đênh trên mặt biển. Hàng trăm ngàn binh sĩ buộc phải ở trong khoang chiến thuyền hàng tháng trời, tiêu tốn cạn kiệt lương thực trong khi đại quân tìm chỗ đổ bộ.

Cuối cùng, vào ngày 15/8 năm đó, quân Mông Cổ quyết định mở chiến dịch tấn công vào một điểm xung yếu trên phòng tuyến của quân Nhật, nơi chỉ có rất ít quân phòng ngự. Thế nhưng, một cơn bão lớn lại đổ bộ, nhấn chìm toàn bộ hạm đội Mông Cổ một lần nữa xuống đáy biển Nhật Bản.

ngọn thần phong

Ngọn thần phong nhấn chìm quân Mông Cổ. Ảnh: Ancient Origins

Những ghi chép trong sử sách Nhật Bản đương thời cho biết có hơn 4000 chiến thuyền đã bị đánh đắm và khoảng 80% thủy quân Mông Cổ hoặc bị chết đuối, hoặc bị thương vong dưới lưỡi kiếm của các võ sĩ đạo Nhật Bản trên bờ biển. Trận hải chiến này đã được ghi nhận là một trong những thất bại nặng nề nhất trong lịch sử hải quân thế giới. Sau thảm bại, người Mông Cổ cũng từ bỏ luôn ý đồ xâm lược Nhật Bản và không bao giờ trở lại quốc đảo này một lần nào nữa.

Raijin và ngọn “Thần phong”

Theo một truyền thuyết, thần sấm sét và bão tố Raijin (còn gọi là Lôi thần) đã tạo ra ngọn “Thần phong” Kamikaze để bảo vệ người Nhật khỏi quân Mông Cổ. Là một trong những biểu tượng cổ xưa nhất của Nhật Bản, Raijin là vị thần nằm trong hệ thống tín ngưỡng Thần đạo. Raijin thường được miêu tả trong hình dạng dữ tợn của một con quỷ đang đánh trống để tạo ra sấm chớp. Một truyền thuyết khác lại kể rằng cơn cuồng phong Kamikaze được tạo ra bởi thần gió Fujin.

Ngày nay, từ “Kamikaze” đã được đưa vào sử dụng trong Anh ngữ thường nhật để chỉ những người hành động liều lĩnh, coi nhẹ sự an nguy của bản thân. Với người Nhật, hai cơn cuồng phong ập đến đúng thời điểm quân Mông Cổ xâm lược chẳng khác nào món quà của thượng đế. Nếu không có những ngọn “Thần phong” này, số phận tương lai của Nhật Bản chắc chắn sẽ rẽ sang một hướng rất khác.

Lời bàn:

Trong chiến tranh, thời tiết cũng là yếu tố thuộc về sức mạnh của một đạo quân. Tướng lĩnh nào khéo nắm được thiên văn, khí tượng thì có thể mang về lợi thế cực lớn cho quân đội của mình. Rất nhiều bài học vẫn còn đó trong lịch sử.

Tào Tháo cậy hùng binh trăm vạn, xua quân tràn xuống Giang Nam, muốn nuốt chửng Đông Ngô. Nhưng đại đô đốc nước Ngô là Chu Du nhờ Gia Cát Lượng cho biết hiện tượng thời tiết trái quy luật (gió đông nam thổi vào mùa đông), dùng kế hỏa công trọng trận thủy chiến Xích Bích, tiêu diệt 83 vạn quân Tào.

Năm 1812, Napoleon chỉ huy nửa triệu quân Pháp tràn vào lãnh thổ nước Nga. Tướng Nga là Kutuzov thực hiện kế “vườn không nhà trống”, vừa đánh vừa nhử người Pháp vào sâu đất Nga. Đến khi mùa đông tràn về, quân Pháp không quen khí hậu, không chịu nổi cái lạnh thấu xương của mùa đông nước Nga, bị vắt kiệt sức, buộc phải rút lui và gánh chịu tổn thất nặng nề trên đường tháo chạy.

Tương tự như vậy, có thể nói, những cơn “Thần phong” Kamikaze chính là đòn trừng phạt dành cho quân Mông Cổ, những kẻ kém hiểu biết về thiên văn, khí tượng nhưng lại có thừa sự hung hăng và tham vọng.

Có một điều trùng hợp là cả hai lần quân Mông Cổ tiến đánh Nhật Bản đều diễn ra vào thời điểm sau tháng 6. Ở vùng Đông Thái Bình Dương, mùa bão bắt đầu sau tháng 6 các năm và đạt tới đỉnh điểm với những cơn đại cuồng phong vào khoảng tháng 8, tháng 9.

Người Mông Cổ vốn quen sống trên sa mạc, thảo nguyên chắc không biết được quy luật ấy. Trong cả hai lần tiến quân, họ đều chọn thời điểm mà khả năng gặp bão biển là lớn nhất trong năm. Vậy, ngay từ đầu người Mông Cổ đã tự chọn cho mình thất bại chỉ vì thiếu kiến thức khí tượng.

Nói rộng ra, cả đế quốc Mông Cổ xây dựng nên bằng vũ lực và các cuộc chinh phạt đẫm máu cũng mau chóng sụp đổ và đi vào quên lãng. Bản thân nhà Nguyên ở Trung Quốc cũng chỉ tồn tại chưa đầy 100 năm (1271 – 1368) rồi tan vỡ.

Người ta ít nhớ đến triều đại này là bởi đóng góp về mặt văn hóa của nó cho lịch sử Trung Quốc nói riêng và lịch sử thế giới nói chung là không nhiều. Đúng vậy, chỉ có tịnh tiến trên con đường văn hóa mà tuyệt nhiên không phải là bạo lực thì một cá nhân, một thể chế, một dân tộc mới được lịch sử lưu tên.

Hữu Bằng (dịch và biên soạn) từ  Ancient Origins 

Theo daikynguyenvn.com

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc