Home » Cổ truyền, Tiêu biểu sideshow, Văn hóa » Tây Du Ký – Tại sao Lão Rùa không thành chính quả?
Tây Du Ký là một tác phẩm văn học xuất sắc của Ngô Thừa Ân, miêu tả lại quá trình đi thỉnh kinh của bốn thầy trò Đường Tăng. Thật ra, cũng là quá trình tu luyện tâm tính, kiên định niềm tin để vượt qua 81 khổ nạn để thành chánh quả. Truyện có nhiều ấn dụ về tu luyện rất hay, cũng hàm chứa nhiều đạo lý. Trong truyện, có đoạn về khổ nạn thứ 81, khi bốn thầy trò Đường Tăng đã lấy được kinh và phải qua sông Thông Thiên để trở về Trung Thổ. Cá nhân tôi thấy đoạn này có ý nghĩa rất sâu sắc về nội hàm của tu luyện.

tay-du-ky

 

Nguyên là trước đây, khi bốn thầy trò Đường Tăng qua sông Thông Thiên, nhờ Lão Rùa lớn này chở qua. Khi đó, Lão Rùa có nhắn gửi là khi qua Tây Thiên, gặp Phật Tổ, nhớ hỏi dùm lão là: “Tôi có một điều thắc mắc là tu đã một ngàn ba trăm năm mà chưa đặng hóa hình người, tuy là biết nói và sống lâu, song chưa thoát kiếp! Xin thầy làm ơn bạch quá Phật Tổ, coi bao giờ tôi đặng thành người.” 
Khi Tam Tạng đến thỉnh kinh đã quên mất việc này, nên lúc trở về qua sông Thông Thiên, gặp lại Lão Rùa, nhờ Lão Rùa chở qua sông. Lúc giữa sông, Lão Rùa hỏi Đường Tăng có hỏi về việc của mình bao giờ tu thành hay không? Đường Tăng vì quên mất nên đã lặng thinh. Cuối cùng, cả bốn thầy trò bị Lão Rùa tức giận hất xuống sông cả. Kinh sách bị ướt, và không còn nguyên vặn. Đây chính là nạn thứ 81 mà thầy trò Đường Tăng phải vượt qua.
Nói về việc của Lão Rùa vì sao không tu thành chánh quả, thì đạo lý cũng rất giản dị. Chính là Lão tu lâu, nhưng không thực tu tâm, không có Pháp để theo. Tu luyện phải cải biến chính tâm tính của mình; vượt qua khổ nạn để bỏ đi chấp trước, ham muốn. Lão Rùa vì một chuyện nhỏ mà hất cả thầy trò Đường Tăng xuống sông làm ướt kinh, chứng tỏ tâm tính chưa sửa đổi. Vẫn là trong lòng cầu phước đức, không có chân thành tu luyện. Kỳ thực, làm việc tốt bao nhiêu, hay tu bao nhiêu năm nhưng tâm không cải biến thì cũng chỉ là hoài công mà thôi, và Lão Rùa cũng không có một con đường chân chính để theo, không biết nguyên lý của tu luyện. Tưởng rằng tu luyện chỉ dựa vào ý niệm, hay động tác để đắc Đạo thì quả thật không thể.
Việc này cũng đã nằm trong dự đoán 81 khổ nạn của Phật Tổ, vốn an bài cho thầy trò Đường Tăng. Tất cả mọi việc đều an bài. Tâm tính của Lão Rùa cũng không nằm ngoài sự an bài đó. Qua câu chuyện này, quan điểm của tác giả Ngô Thừa Ân về đạo lý tu luyện cũng rất sáng tỏ. Ngô Thừa Ân có bài thơ: 
“Nhân tâm sinh nhất niệm,
Thiên địa tận giai tri,
Thiện ác nhược vô báo,
Càn khôn tất hữu tư!”
Diễn nghĩa:
“Khi một niệm khởi phát từ tâm con người,
Cả trời và đất đều biết,
Thiện và ác mà không có báo ứng,
Thì vũ trụ này thật quá ích kỷ!”
Không gì có thể che mắt Thần, chẳng qua sự ích kỷ của Lão Rùa làm Lão không thể tiến lên nữa mà thôi.  Và một việc về văn hóa tu luyện cũng nói rằng, động vật không thể tu thành chánh quả, vì bản tính của chúng sẽ không đổi. Nếu tu thành thì sẽ thành ma. Trong Tây Du Ký cũng nói rõ về một đạo lý qua bài thơ của Đường Tăng ngâm trong Mộc Tiên Am:
“Thân người khó được,
Trung Thổ khó sinh,
Chính Pháp khó gặp,
Được cả ba điều,
May mắn lắm thay.”

 

Chính là chỉ ý chí tu luyện của ông, và sự may mắn của người tu luyện nào đắc được Chính Pháp. Đắc được thân người, và gặp được Chính Pháp là có thể tu luyện. Chính là cải biến tâm tính, vượt qua khổ nạn, kiên định niềm tin… giống như câu chuyện thỉnh kinh của bốn thầy trò. Tác phẩm Tây Du Ký quả là một tác phẩm mà văn hóa cổ xưa truyền lại cho nhân loại ngày nay, để có thể ôn cổ minh kim, sáng tỏ đạo lý.

(Phục Long)
Theo chanhkien

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc