Home » Chia sẻ, Cuộc sống số, Tiêu biểu sideshow » Chuyện ít biết về Triều Tiên qua lời kể của du khách

Trong các chuyến tham quan đặc biệt dành cho du khách ngoại quốc, có hướng dẫn viên địa phương và được sự cho phép của Bình Nhưỡng, Patrick Chovanec – giáo sư người Mỹ đang giảng dạy tại Trường Kinh tế và Quản lý thuộc Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh), đã tới thăm những cánh đồng, sòng bạc và nhà trẻ ở CHDCND Triều Tiên.

Chẳng có mấy toà nhà ở CHDCND Triều Tiên cao hơn 8 tầng vì chúng không có thang máy. (Ảnh: Time)

Đối với mỗi chuyến đi, ông Chovanec và các bạn đồng hành được những hướng dẫn viên chính thức của CHDCND Triều Tiên tháp tùng và chỉ được phép tới thăm một số khu vực nhất định. Họ cũng nhận được yêu cầu phải xóa các bức ảnh “đáng chê trách” khỏi máy chụp kỹ thuật số của mình.

Tuy nhiên, các chuyến đi đã mang tới cho vị giáo sư kinh tế người Mỹ một cái nhìn sơ lược hiếm hoi vào bên trong đất nước ẩn dật trên bán đảo Triều Tiên. Dưới đây là những lời chia sẻ của ông Chovanec với tạp chí Foreign Policy về những trải nghiệm thú vị khi du lịch CHDCND Triều Tiên:

Chuyến tham quan được kiểm soát nghiêm ngặt

Tôi đã có hai chuyến đi tới CHDCND Triều Tiên. Lần đầu tiên diễn ra cách đây 2 năm, vào tháng 10/2008. Tôi đã thăm thủ đô Bình Nhưỡng và một số vùng bao quanh, kể cả khu phi quân sự DMZ. Nó là một phần trong chuyến tham quan đặc biệt dành cho các công dân Mỹ được mời tới chứng kiến sự kiện thể dục đồng diễn nổi tiếng của CHDCND Triều Tiên. Vào thời điểm đó, chúng tôi được thông báo là nhóm đánh dấu công dân Mỹ thứ 1000 tới thăm nước này kể từ khi kết thúc chiến tranh Triều Tiên 1950 – 1953.

Tôi chỉ trở lại CHDCND Triều Tiên với chuyến đi thứ hai vào tháng 7 vừa qua. Lần này, tôi đã nhìn thấy một phần rất khác của đất nước, “đặc khu kinh tế” Rason ở đông bắc CHDCND Triều Tiên, giáp biên giới Nga và Trung Quốc. Chỉ có một số ít người Mỹ và công dân phương Tây khác được phép tới đó. Đây là khu vực biên giới, nơi hai phóng viên Mỹ Euna Lee và Laura Ling bị bắt giữ năm ngoái.

Hầu hết người Mỹ có xu hướng cho rằng việc đi tới CHDCND Triều Tiên là bất hợp pháp, giống như Cuba, nhưng điều đó không đúng. Hiện có các lệnh cấm vận nên bạn không thể kinh doanh ở đó. Do không có quan hệ ngoại giao nên Bộ Ngoại giao Mỹ khuyến cáo bạn sẽ đơn độc ở đó. Nhưng rào cản lớn nhất vẫn luôn nằm ở phía CHDCND Triều Tiên, nước hiếm khi cấp visa cho công dân Mỹ. Việc này bắt đầu thay đổi trong vài năm trở lại đây, nhưng chỉ một số ít nhóm được phép nhập cảnh vào nước này mỗi năm.

Du lịch CHDCND Triều Tiên không giống như đi thăm bất kỳ nước nào khác. Chuyến đi rất bị hạn chế. Bạn không thể mang điện thoại di động vào nước này. Khi bạn đến đó, họ ghi lại bất kỳ cuốn sách nào bạn mang theo và bạn được chờ đợi sẽ xuất cảnh cùng toàn bộ số sách đó. Kinh thánh hoặc bất kỳ thứ gì liên quan đến Hàn Quốc đều bị cấm.

Mỗi nhóm du khách có hai “người trông coi” để giám sát mọi người. Bạn không thể rời khách sạn mà không có “người trông coi” và khi ở bên ngoài, bạn luôn phải ở trong nhóm mọi lúc (và điều này không phải chuyện đùa: năm 2008, một du khách Hàn Quốc 53 tuổi đi tản bộ lang thang một mình để ngắm hoàng hôn đã bị một binh sĩ bắn chết). Bạn cũng phải hỏi xin phép “người trông coi” trước khi chụp bất cứ bức ảnh nào, mặc dù hầu hết các du khách đều kết thúc chuyến tham quan với hàng trăm tấm ảnh. Tuy nhiên, khi rời khỏi CHDCND Trềiu Tiên, lính biên phòng có thể xem lại các bức ảnh trong máy của bạn và buộc bạn phải xoá bất kỳ bức nào mà họ cảm thấy “gai mắt”.

Nét khác biệt của Bình Nhưỡng

Đối với tôi, Bình Nhưỡng là tủ trưng bày của CHDCND Triều Tiên. Sống ở đó là một đặc quyền chỉ dành cho các đối tượng hữu dụng và trung thành nhất với chế độ. Dẫu vậy, bên cạnh các công trình tưởng niệm lớn, bao gồm cả một phiên bản lớn hơn nguyên gốc Khải hoàn môn của Paris, tất cả các toà nhà đều là những khối kiến trúc xây bằng bêtông, cát và xi măng màu xám. Chẳng có mấy toà nhà cao hơn 8 tầng vì chúng không có thang máy.

Nếu nhìn xuyên qua các ô cửa sổ, bạn sẽ thấy mỗi căn phòng, văn phòng hoặc căn hộ ở đây đều treo trên tường hai bức chân dung của cố Chủ tịch Kim Il Sung và con trai ông – vị lãnh đạo đương nhiệm Kim Jong Il.

Dọc các phố không có quảng cáo hoặc các biển thương mại mà chỉ có những áp phích cổ động và bảng cáo thị. Trong một số ít toà nhà có các ki-ốt nhỏ dựng bằng vải bạt màu xanh và trắng chuyên bán nước ngọt. Vỉa hè không đông đúc như ở Trung Quốc và các đường phố rất rộng. Ở mỗi giao lộ có một nữ cảnh sát mặc đồng phục đứng làm nhiệm vụ điều khiển giao thông với sự chính xác như đi diễu hành (người ta nói rằng các nữ cảnh sát này được chọn vì sắc đẹp của họ). Một điều thực sự khiến tôi ngạc nhiên là số lượng xe ôtô mui kín và xe SUV sang trọng với các thương hiệu như BMW và Mercedes trên các đường phố thủ đô. Rõ ràng ai đó có tiền và các mối quan hệ.

Bất cứ nơi nào bạn tới ở Bình Nhưỡng, hình chủ đạo in lên nền trời là một kim tự tháp bêtông 105 tầng hoàng tráng: khách sạn Ryugyong. Nó từng được kỳ vọng sẽ trở thành khách sạn cao nhất thế giới nhưng rốt cuộc lại có nhiều khiếm khuyết về mặt cấu trúc nên chưa bao giờ được hoàn thiện. Công trình này vẫn đứng sừng sững ở đó, bị bỏ rơi kể từ năm 1992. Nó không xuất hiện trên bất kỳ bản đồ chính thống nào và không được ai đề cập đến vì nó quả thực là một nỗi xấu hổ khủng khiếp.

Mặc dù vậy, điều đáng nhớ nhất về Bình Nhưỡng là sự tối tăm mù mịt mỗi khi đêm xuống. Vì thiếu điện nên bạn sẽ hiếm khi nhìn thấy đèn đường. Ở đây, thỉnh thoảng chỉ có vài ngọn đèn và các ánh đèn pha xe buýt lướt qua. Tất cả những gì bạn có thể nhìn thấy là những bóng đen nhờ nhờ đang di chuyển ngay bên cạnh mình. Trở về khách sạn, nhìn qua cửa sổ, bạn sẽ chẳng thấy gì. Nó giống như cả thành phố đã bị màn đêm nuốt chửng.

Nông dân CHDCND Triều Tiên đangcày ruộng. (Ảnh: FP)

Đặc khu kinh tế Rason

Về đặc khu kinh tế đông bắc Rason tôi mới đi tham quan gần đây, nơi này cách khá xa Bình Nhưỡng nhưng quan trọng không kém vì nhiều lẽ. Vùng đông bắc là tâm điểm của nạn đói khủng khiếp diễn ra trong những năm 1990. Người dân ở đó từng phải tìm mọi cách để sống sót. Họ thiết lập các chợ tư nhân để bán rau trồng trong vườn nhà hoặc thỏ tự nuôi được.

Vùng biên giới dọc sông Tumen đã trở thành cửa ngõ chính cho những người tị nạn chạy sang Trung Quốc và đối với hàng hóa Trung Quốc buôn lậu trở lại CHDCND Triều Tiên. Sau nạn đói kém, chính phủ đã cố giải quyết tình hình bằng cách thiết lập một đặc khu kinh tế nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Mặc dù vậy, ngoài một sòng bạc lớn, hầu như chẳng có gì thực sự diễn ra.

Vì vậy, Rason đã mang tới một cửa sổ hé mở thực tế gai góc hơn Bình Nhưỡng. Phần lớn các con đường không trải nhựa. Quảng trường chính của thị trấn – được trang trí bằng khẩu hiệu “Kim Jong Il là Mặt trời của thế kỷ 21!” – từ lâu đã trở nên tàn tạ.

Lúc bình minh, toàn bộ thị trấn thức giấc trước những bài hát ái quốc được thu âm sẵn và các thông điệp phát oang oang trên loa phóng thanh. Ban ngày, mọi người đi đây đó, đẩy theo đồ dùng cá nhân của họ, kể cả con cái, trong những chiếc xe cút kít tạm bợ. Ban đêm, xe jeep cảnh sát đi tuần xuyên màn đêm và đưa ra những mệnh lệnh nghiêm khắc đối với người qua đường.

Nền kinh tế rất giản đơn. Người nông dân sử dụng trâu bò cày ruộng. Các đoàn thuyền đánh bắt cá địa phương bao gồm những chiếc tàu thủy cũ đã gỉ sét và nhả ra nhiều khói dầu đến mức trông chúng như đang bị hoả hoạn. Khi tới thăm Bình Nhưỡng, bạn bị che mắt, không được chứng kiến nhiều thứ như thế này, nhưng ở Rason, bạn có cái nhìn rõ hơn về cuộc sống của phần lớn người dân CHDCND Triều Tiên như thế nào.

Về sòng bạc tôi từng tới thăm, khi thành lập đặc khu kinh tế Rason lần đầu tiên, CHDCND Triều Tiên đã ký hợp đồng với một nhà tài phiệt giấu mặt người Hồng Kông để xây dựng tổ hợp Khách sạn và Casino Hoàng đế, một khu nghỉ dưỡng 5 sao bên bờ biển trị giá 180 triệu USD. Sau đó, vào năm 2004, một quan chức địa phương từ vùng Yanbian bên kia biên giới, thuộc Trung Quốc đã “nướng” hết 2,5 triệu NDT (gần nửa triệu USD) tiền công quỹ vào các bàn đánh bạc ở Casino Hoàng đế. Nhà chức trách Trung Quốc đã tiến hành một cuộc chấn chỉnh lớn nhằm vào du khách và nơi này kể từ đó đã bị bỏ hoang.

Chúng tôi từng dừng chân để tham quan nơi này. Khách sạn vẫn mở cửa và nó đầy nhân viên. Bạn sẽ thấy một buồng gọi điện thoại kiểu Anh màu đỏ tươi trên hành lang, một quầy giải khát tuyệt vời hướng nhìn ra bờ biển và các cô gái lượn quanh với những vỉ ruồi điện lớn như vợt đánh tennis. Mọi thứ đều sẵn sàng nhưng tôi không nghĩ có bất kỳ vị khách nào từng đăng ký phòng ở đây suốt nhiều năm qua. Điều này khá kỳ dị.

Theo xaluan

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc